Giúp các Bộ, ngành, địa phương rút ngắn 90 % thời gian
Việt Nam đang bước vào tiến trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Vì vậy, an toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn và không thể tách rời. Trong nhiều tình huống, an toàn, an ninh mạng cần phải đi trước một bước. Đó cũng là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vươn lên, phát triển các sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng.
Chính vì vậy, ngày 3/7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ ra mắt "Nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin".
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, Bộ đã đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy phát triển nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC), đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin; góp phần triển khai đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7/6/2019 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm tăng cường cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, nền tảng cung cấp dịch vụ SOC đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin góp phần đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho chuyển đổi số quốc gia. |
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, tính đến nay, đã có 8 doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là những nền tảng do doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ ra thị trường và kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho hay, nền tảng góp phần đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho quá trình chuyển đổi số quốc gia như:
Giúp các Bộ, ngành, địa phương rút ngắn 90% khối lượng, thời gian triển khai mô hình 4 lớp. Bên cạnh đó lựa chọn dịch vụ SOC đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin sẽ đảm bảo hoàn thành 2 lớp quan trọng trong mô hình 4 lớp, là lớp 2 và lớp 4.
Đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư các giải pháp, công nghệ tiên tiến, tiến tới làm chủ và hình thành hệ sinh thái các sản phẩm an toàn thông tin "Make in Vietnam".
Các doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực nghiên cứu, phát triển
Theo Bộ Thông tin và truyền thông, nền tảng SOC được lựa chọn sẽ tuân theo những tiêu chí: chất lượng tốt, có thể cung cấp dưới dạng dịch vụ, không yêu cầu cơ quan, tổ chức phải có lực lượng chuyên trách về CNTT, an toàn an ninh mạng mới triển khai được mà có thể thực hiện ngay.
Các doanh nghiệp cung cấp nền tảng sẽ là những doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; đã kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; sẵn sàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường.
Việc ra mắt nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ đảm bảo an ninh mạng theo mô hình “4 lớp” mà còn khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực nghiên cứu, phát triển và đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho thị trường trong nước và có thể vươn ra thế giới.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn, an ninh mạng được tiếp cận, lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu, điều kiện của các Sở TT&TT. Trên cơ sở đó doanh nghiệp có thể đáp ứng tốt hơn việc triển khai các hệ thống SOC cũng như mở rộng thị trường.
Hà Yên