Nghệ sĩ thuộc các thế hệ đã tề tựu thắp hương tưởng nhớ soạn giả Trần Hữu Trang tại Nhà Truyền thống của Nhà hát Trần Hữu Trang ở Tiền Giang.
Chia sẻ với VietNamNet, anh Long – con trai cố soạn giả Lê Duy Hạnh cho biết ông trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6/9 sau thời gian lâm bệnh nặng.
"Cách đây 2 tuần, cha tôi lên cơn đột quỵ nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Do ông lớn tuổi, có bệnh nền nên sức khỏe yếu nhanh. Ông ra đi không kịp chia sẻ hay trăng trối gì với gia đình", anh nói.
Hiện gia đình đang lo tang lễ cho cố soạn giả. Lễ viếng soạn giả Lê Duy Hạnh bắt đầu từ 9h ngày 7/9. Lễ truy điệu vào 5h ngày 9/9 tại Nhà tang lễ Thành phố, số 949, Quốc lộ I, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM, sau đó di quan và hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Soạn giả Lê Duy Hạnh là một nhà viết kịch có góc nhìn sâu sắc, luôn đau đáu tìm tòi, phát triển ngòi bút của mình. Những năm cuối đời phải nằm trên giường bệnh, soạn giả vẫn dành sự quan tâm tới lĩnh vực nghệ thuật.
"Dù bệnh nhưng đầu óc anh minh mẫn, đọc và theo dõi hoạt động sân khấu, rồi đưa ra nhận xét rất chính xác. Lời hứa tôi sẽ ghé đến để nghe anh dặn dò nhiều điều về công tác lý luận phê bình coi như không thực hiện được", đạo diễn Thanh Hiệp chia sẻ.
Tác giả Lê Duy Hạnh sinh năm 1947, quê ở Bình Định. Ông học đại học tại Sài Gòn, sau đó đi chiến khu, rồi ra Hà Nội học trường viết văn. Sau năm 1975, ông hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực sân khấu.
Một số tác phẩm của ông không chỉ được sử dụng ở các hội diễn, hội thi mà còn được các đơn vị, nhà hát dàn dựng biểu diễn phục vụ công chúng rộng rãi. Trong đó có thể kể đến như: Vua thánh triều Lê, Diễn kịch một mình, Chiếc áo thiên nga, Lý Chiêu Hoàng, Hoàng hậu hai vua, Nỏ thần, Tâm sự Ngọc Hân, Mặt trời đêm thế kỷ, Miền nhớ, Hoa độc trong vườn...
Nhiều tác phẩm của ông khai thác chủ đề lịch sử, mảng nội dung khá khó, trong đó có kịch bản được dựng ở cả sân khấu kịch và sân khấu cải lương.
Thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương như: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Nga, NSƯT Mỹ Châu... tạo dấu ấn qua các vở diễn của ông. Ngoài ra Lê Duy Hạnh sáng tác kịch bản hình thức thể nghiệm như: Người cáo, Chuyện lạ, Hồn tuồng, Diễn kịch một mình, Trở về miền nhớ, Thần tượng thực, Nỗi đau nhân loại.
Soạn giả Lê Duy Hạnh từng có thời gian dài làm Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM. Ông từng đoạt giải thưởng Nhà nước, Huân chương lao động hạng Nhất và nhiều giải khác trong sự nghiệp. Lê Duy Hạnh được đánh giá là một nhà quản lý giỏi, được các thế hệ nghệ sĩ sân khấu kính trọng.
Trích đoạn 'Tâm sự Ngọc Hân' của soạn giả Lê Duy Hạnh