Người dân, doanh nghiệp chỉ sử dụng dịch vụ công nếu được chăm sóc tốt
Các địa phương đã cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến lại chưa cao. Ảnh minh họa: Internet |
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết Bộ TT&TT năm 2019 vừa được tổ chức mới đây, theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM: Một thực tế cần nhìn nhận khi triển khai dịch vụ công trực tuyến ở địa phương hiện nay đó là tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến không cao.
"Nếu xét trên lý thuyết thì dịch vụ công trực tuyến mang lại sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, vậy thì tại sao họ lại không dùng?”, nữ Phó Giám đốc Sở TT&TT đặt câu hỏi. “Dù anh có nói dịch vụ công của anh tốt, hiện đại như thế nào chăng nữa nhưng tỷ lệ không dùng phản ánh thực tế chất lượng dịch vụ công”, bà Trinh cho biết.
Để dẫn chứng cho điều này, bà Trinh đưa ra một ví dụ tại TP.HCM, ở một số quận vùng ven tại TP. HCM, tỷ lệ đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến là 60% trong khi ở các quận trung tâm chỉ là 30 – 40%. Đồng thời cho biết, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công không phụ thuộc vào vấn đề công nghệ hay ứng dụng mà nó phụ thuộc vào đội ngũ vận hành dịch vụ công đó như thế nào.
“Qua tìm hiểu chúng tôi đi đến một kết luận, người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công ở các đơn vị nào có chính sách chăm sóc tốt, chăm sóc người dùng như khách hàng. Nếu các đơn vị chỉ chạy theo chỉ tiêu hay công nghệ đưa lên dịch vụ công hàng loạt nhưng không hề quan tâm, không hề có chính sách hỗ trợ thì tỷ lệ sử dụng không cao và ở chừng mực nào đó, chính là sự lãng phí", bà Trinh nói.
Cũng từ thực tế đó, lãnh đạo Sở TT&TT TP.HCM cho hay: "Khi tham mưu cho thành phố, chúng tôi đều nói với lãnh đạo rằng lãnh đạo các đơn vị phải hiểu về nhu cầu của người dân và doanh nghiệp xem họ có cần dịch vụ công đó không thì mới nên đầu tư". Điều này cũng lý giải vì sao trong thời gian qua, mặc dù TPHCM triển khai dịch vụ công không nhiều nhưng lại có tỷ lệ phát sinh hồ sơ sử dụng dịch vụ công trực tuyến lại rất cao. Có một số loại dịch vụ công trực tuyến ở một số địa phương lên đến 100%, vị này cho biết thêm.
Dịch vụ công trực tuyến phải song hành với cải cách hành chính
Qua thực tế triển khai tại địa phương, lãnh đạo Sở TT&TT TP.HCM cho rằng dịch vụ công trực tuyến chỉ có chỉ làm tốt được khi cải cách thủ tục hành chính được thực hiện tốt. Nhiều thủ tục hành chính chưa được chuẩn hóa, đồng bộ chính là một trong những điểm vướng khi triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa phương. Đó là chưa kể đến sự thiếu liên thông, kết nối giữa các hệ thống dữ liệu hiện nay.
Chỉ ra thực tế hiện nay một cán bộ công chức phải thao tác nhiều lần trên các chương trình khác nhau để có thể giải quyết một bộ hồ sơ dữ liệu. "Người dân, doanh nghiệp đăng ký một lần qua hệ thống, cán bộ lại phải nhập lên một hệ thống khác để giải quyết hồ sơ đó. Điều này là vô lý, và như vậy, các dữ liệu không liên thông với nhau", bà Trinh cho biết.
Việc này có thể giải quyết nếu có một nền tảng dữ liệu dùng chung. "Nếu như có một nền tảng dùng chung kết nối tốt thì chúng ta thực hiện việc này hết sức đơn giản". Theo đó, các đơn vị có thể vận hành nhiều phần mềm khác nhau nhưng sử dụng qua một nền tảng dùng chung thì những hệ thống này vẫn có thể trao đổi, gửi/nhận các thông tin đã được chuẩn hóa. Việc phối hợp giải quyết trong một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến giữa cơ quan Nhà nước sẽ thuận lợi.
"Một khi chúng ta giải quyết tốt các mối quan hệ của chính quyền điện tử trong tác nghiệp của cán bộ công chức thì chất lượng của cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp mới tốt được”, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM nói.
Bàn về vai trò của công tác cải cách thủ tục hành chính trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, bà Trinh nói: "Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở cải cách hành chính và ứng dụng CNTT thì con đường đi còn xa lắm. Chúng ta phải ta phải thay đổi. Nếu muốn hướng đến chuyển đổi số, chúng ta phải thay đổi cách cung cấp dịch vụ công của mình. kết hợp việc thay đổi thủ tục với yếu tố công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ công thì lúc đó sản phẩm cung cấp dịch vụ công và mong muốn của người dân sẽ gần nhau hơn”.