Theo đánh giá từ Sở TT&TT Hà Nam, việc triển khai và sử dụng chứng thư số tại Hà Nam bước đầu đã có tác động rất tích cực trong việc rút ngắn thời gian chuyển, nhận văn bản, giảm thiểu chi phí trong phát hành văn bản giấy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa nền hành chính công, từng bước nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đồng thời hỗ trợ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và nâng cao hiệu quả trong quá trình cải cách thủ tục hành chính.

Sở T&TT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản nhằm triển khai dịch vụ chữ ký số. Cụ thể, Quyết định số 1567/QĐ-UBND ngày 06/10/2016 của UBND tỉnh về việc ủy quyền người quản lý thuê bao sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Công văn số 966/UBND-TH ngày 18/4/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường ứng dụng phần mềm Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản trên môi trường mạng; Kế hoạch số 1280/KH-UBND ngày 22/5/2017 về việc triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hà Nam năm 2018.

Cùng đó, Sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố đăng ký chứng thư số cho cơ quan và cá nhân; hướng dẫn quy trình thay đổi thông tin chứng thư số; đôn đốc, hỗ trợ các cơ quan trong việc ứng dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản trên môi trường mạng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức vai trò cần thiết của việc triển khai văn bản điện tử, từng bước quen dần việc sử dụng văn bản điện tử, giảm văn bản giấy trong trao đổi công việc.Việc gửi nhận văn bản nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo gởi nhận an toàn và xác thực góp phần tăng cường công tác an toàn thông tin trên môi trường mạng.

Sở đã tổ chức hội nghị bàn giao và hướng dẫn sử dụng chứng thư số cho cán bộ văn thư và quản trị mạng của 25 sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và cán bộ Trung tâm CNTT và Truyền thông; Hướng dẫn, tuyên truyền về triển khai sử dụng chữ ký số được thực hiện thường xuyên trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh từ đó góp phần nâng cao nhận thức trong việc sử dụng chữ ký số.

Đến tháng 9, tỉnh đã xin cấp và bàn giao 44 chứng thư số cho tổ chức và cá nhân của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố. Các đơn vị đã nghiêm túc tích cực triển khai cài đặt và sử dụng chứng thư số. 100% các đơn vị khi gửi nhận văn bản điện tử có chữ ký số. Số lượng văn bản điện tử gửi nhận trên môi trường mạng ước đạt 4.000 văn bản/tháng.

Ngoài ra, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều thực hiện ký số trên các loại văn bản trừ văn bản mật để gửi nhận qua phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành phục vụ cho việc tra cứu văn bản, lưu trữ góp phần nhằm đảm bảo tính xác thực nội dung, xác định nguồn cung cấp văn bản điện tử.

Tuy nhiên, việc sử dụng chứng thư số tại Hà Nam còn một số khó khăn. Cụ thể là chưa tích hợp được ký số vào phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai chữ ký số; một số cơ quan chưa thường xuyên ứng dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản trên môi trường mạng.

Để việc quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới cần triển khai một số nhiệm vụ sau: Đăng ký và cấp, chuyển giao chứng thư số cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố; tích hợp chữ ký số vào hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ phục vụ gửi nhận văn bản điện tử; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức được cấp chứng thư số nhằm mục tiêu khai thác, sử dụng có hiệu quả chứng thư số; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo khả năng hỗ trợ người dùng khi ứng dụng chứng thư số tại các cơ quan, đơn vị.