Chị Đ.H (SN 1987, Hà Nam) lên Hà Nội làm việc cách đây 2 năm. Chị đang một mình nuôi 3 con nhỏ (13 tuổi, 10 tuổi và 5 tuổi) trong một phòng trọ ở quận Hoàng Mai. Chị là một trong nhiều người bị rối loạn tâm lý do giãn cách kéo dài. Vấn đề này xảy ra khi bốn mẹ con chị thực hiện việc giãn cách vào tháng 4/2021.
“Lúc đó, mẹ con tôi đi Bắc Ninh về Hà Nội. Khi về đến phòng trọ, tôi nhận tin nơi chúng tôi vừa đến đang bùng dịch. Vì vậy tôi đã khai báo y tế và cùng con cách ly tại nhà”, chị H. nhớ lại.
Từ nhỏ, chị H. từng chịu tổn thương tâm lý do hoàn cảnh gia đình. Khi trải qua quãng thời gian giãn cách kéo dài, những chấn thương tâm lý lại có dịp bùng phát.
Bên trong một khu cách ly. Ảnh: Hoài Thanh |
Thời gian cách ly tại nhà gần 2 tuần, chị khóc nhiều. Chỉ một chuyện nhỏ, chị cũng khóc không ngừng. Người phụ nữ này luôn xuất hiện ý nghĩ tự vẫn trong đầu. “Tôi luôn nghĩ tiêu cực, chưa bao giờ rơi vào tình trạng như vậy. Tôi chỉ muốn mở cửa phòng ra ngoài để mua thuốc ngủ về uống”, chị nhớ lại.
Nhưng rồi khi con gái nhỏ lấy khăn cho mẹ lau nước mắt khiến chị như bừng tỉnh. “Tôi nghĩ đến các con. Nếu mình đi rồi các con sẽ ra sao, vậy là tôi cố gắng tiếp tục vực dậy”, chị kể.
Nhưng tình trạng này lại tiếp diễn khi Hà Nội thực hiện việc giãn cách vào tháng 7/2021. Chị H. lại trải qua những cảm xúc tiêu cực, luôn ở trong tình trạng mệt mỏi, đầu óc quay cuồng, hồi hộp và lo lắng.
“Có một nỗi sợ hãi mơ hồ cứ ám ảnh tôi. Tôi không biết chính xác mình sợ điều gì. Nhiều đêm tôi không ngủ, ngày cũng vậy, tình trạng này kéo dài suốt một thời gian”, chị nói.
Chị H. sợ tất cả sự giao tiếp, sợ đám đông và sợ tiếng ồn. Chị đóng cửa nhiều ngày trong nhà. Vì tiếng chuông điện thoại cũng làm chị giật mình, hoảng sợ nên chị tắt điện thoại. Chỉ đến đêm khuya, khi mọi người ngủ hết, người phụ nữ này mới bật điện thoại lên để kiểm tra tin nhắn, sau đó chị lại tắt đi.
“Lúc ở nhà tôi mong được ra ngoài. Nhưng khi ra ngoài sau một thời gian dài ở nhà, tôi càng sợ hãi hơn. Việc đi chợ, đi siêu thị tôi cũng không thể làm. Thậm chí, đi làm được 1 tuần (chăm sóc trẻ), tôi cũng đành xin nghỉ”, chị nói. Cuối cùng, chị phải đến gặp bác sĩ tâm lý.
Về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện E (Hà Nội), cho biết, người bệnh chủ yếu gặp vấn đề về rối loạn giấc ngủ, lo âu dẫn đến stress. Tình trạng phong tỏa, giãn cách kéo dài, người dân chỉ ở trong nhà một mình, không có giao tiếp với bên ngoài. Trong khi đó, họ phải đối mặt với khó khăn về kinh tế, mâu thuẫn trong gia đình (căng thẳng nuôi dạy con, lối sống...) dẫn đến tình trạng trầm cảm, lo âu.
Cũng theo ThS.BS Nguyễn Viết Chung, sang chấn tâm lý gây ra nhiều hậu quả về mặt cơ thể và tinh thần, gây ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể như ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, tiêu hóa, ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi… Tâm lý ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, khi bị rơi vào trạng thái trầm cảm, không được điều trị đúng cách và kịp thời dẫn đến bệnh lý nặng, khó chữa trị.
Những người này không có bệnh lý về nội khoa, ngoại khoa. Đa phần họ đi khám nhưng không tìm ra bệnh. ThS.BS Nguyễn Viết Chung chia sẻ thêm, người bị rối loạn tâm lý do đại dịch đa số là người trung niên, trong đó phụ nữ chiếm nhiều hơn nam giới. Bởi người ở độ tuổi này thường phải chịu nhiều trách nhiệm về kinh tế, chăm lo cuộc sống cho gia đình và phụ nữ thường là người chu toàn, hay lo lắng, sức khỏe kém hơn vì vậy họ dễ chịu tác động về tâm lý hơn.
ThS.BS Viết Chung khuyến cáo, bệnh nhân nên đi kiểm tra sức khỏe để phân biệt bệnh lý hay bệnh về sức khỏe tâm thần từ đó mới có hướng điều trị phù hợp.
Một khu vực bị cách ly do có ca mắc Covid-19 ở Hà Nội. Ảnh: VietNamNet |
Tương tự, Ths.BS Nguyễn Hồng Bách, làm việc tại một Trung tâm tâm lý trị liệu tại Hà Nội cũng chia sẻ: “Người gặp rối loạn tâm lý thường dễ quên, lặp đi lặp lại nhiều lần một cách vô thức hành vi nào đó. Họ cũng dễ nổi cáu, không kiềm chế được cảm xúc. Ví dụ có người cầm điện thoại nhưng lướt một cách vô thức. Có người khi đối diện với tôi lại liên tục đưa cốc nước lên uống dù cốc không có nước”, Bác sĩ Bách kể lại.
Cũng theo Ths.BS Nguyễn Hồng Bách, phần lớn những người bị rối loạn lo âu thường bị yếu thế về kinh tế. Họ lo lắng về thu nhập khi bị mất việc, cắt giảm lương, sau đó là gánh nặng về nuôi con, duy trì cuộc sống. Ngoài ra, bị bó hẹp trong không gian hẹp kéo dài do giãn cách, cách ly tại nhà hoặc tại khu cách ly cùng với việc xem tin tức về ca nhiễm, ca tử vong tăng cũng khiến họ bị ảnh hưởng về tâm lý.
"Nhiều trường hợp bị rối loạn hoang tưởng. Họ nghĩ đại dịch là do cơn giận dữ thần linh, do họ không chịu đi chùa, cúng lễ cũng. Có trường hợp lại nghĩ mình làm điều gì sai nên bị thần linh phạt”, ông Bách kể.
BS Bách từng tư vấn cho người phụ nữ là mẹ đơn thân mang thai ở tháng thứ 8. Trước đó, người phụ nữ này không có công việc ổn định, làm việc thời vụ. Ảnh hưởng từ dịch bệnh, chị bị mất việc, khó khăn về kinh tế lại phải thực hiện giãn cách quá dài nên chị lo lắng. Chị luôn ám ảnh, lo sợ không biết sinh con sẽ như thế nào, sau sinh lấy gì để nuôi con. Cuối cùng những lo sợ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực.
“Nhiều cuộc gọi từ 1, 2 giờ sáng, đa phần các bệnh nhân lo lắng, bất an đến mức không thể ngủ. Tình trạng mất ngủ kéo dài càng khiến họ suy kiệt về thể trạng”.
Theo BS Bách, những người trầm cảm, stress đa phần đều không thể chia sẻ với người thân. Đặc biệt, người thân và gia đình không có kiến thức về tâm thần học, không thể chia sẻ, can thiệp vì vậy tình trạng của người rối loạn tâm lý càng nặng.
Vì vậy, khi gia đình thấy người thân có những rối loạn hành vi như nói nhiều, dễ cáu gắt, ăn ngủ thất thường, đau đầu chóng mặt, buồn nôn và đi kểm tra không có bệnh nên khuyên họ đến gặp bác sĩ. Trường hợp nặng hơn nên phải nhập viện để can thiệp.
Với người có xu hướng rối loạn tâm lý, người thân có thể giúp họ bằng các liệu pháp như ngâm chân nước nóng trước khi ngủ, tập thiền, yoga, tạo ra việc để làm tránh thời gian chết, khuyên họ sinh hoạt và ngủ nghỉ một cách khoa học…
Ngọc Trang
Bệnh nhân Covid-19 trẻ bị hoảng loạn tâm lý
Nghĩ rằng chồng và con đã mất do Covid-19, chị H. (37 tuổi) không phối hợp với bác sĩ để điều trị bệnh mà có ý định nhảy lầu, cắn lưỡi tự tử.