Từ đầu năm đến nay, đã có 4 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhưng không phải cổ phiếu nhà băng nào cũng nhận được sự chào đón của thị trường như mong muốn.
Tính tới tháng 12/2017, toàn hệ thống ngân hàng có 13 ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE, HNX và UPCoM. Số lượng vẫn còn rất ít so với số lượng ngân hàng trong hệ thống, nhưng chỉ riêng năm nay đã có 4 nhà băng niêm yết sau nhiều năm liền cổ phiếu ngân hàng im hơi lặng tiếng.
Những số phận trái ngược
Nhìn vào thị giá cổ phiếu 4 ngân hàng niêm yết năm qua có thể thấy hai mảng màu khác biệt. Trong khi cổ phiếu VIB và VPBank được giao dịch nhộn nhịp, thanh khoản tốt thì cổ phiếu Kienlongbank và Lienvietpostbank diễn biến hoàn toàn ngược lại.
Cụ thể, cổ phiếu VPB của VPBank là cổ phiếu ngân hàng niêm yết thành công nhất trong năm qua khi trở thành mã cổ phiếu có thị giá cao thứ 2 chỉ sau cổ phiếu của Vietcombank.
Nhà băng này đưa hơn 900 triệu cổ phiếu lên sàn chứng khoán ngày 17/8 vừa qua với giá tham chiếu lên tới 39.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, VPB được giao dịch với giá trên dưới 40.000 đồng/cổ phiếu, và là một trong những cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản tốt nhất mỗi phiên. Bình quân mỗi phiên giao dịch đều có hàng chục, hàng trăm tỷ đồng được giao dịch.
Thậm chí, trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 17/8, VPB đã gây bất ngờ toàn thị trường chứng khoán khi ghi nhận hơn 58,2 triệu cổ phiếu được giao dịch, giá trị đạt trên 2.255 tỷ đồng.
Trong đợt chào báo riêng lẻ cổ phiếu để tăng vốn mới đây, chỉ 3 nhà đầu tư cá nhân đã mua gần 165 triệu cổ phiếu với tổng trị giá khoảng 6.400 tỷ đồng.
VPB còn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại khi đã hút được lượng đặt mua lên đến 1,2 tỷ USD từ trước khi lên sàn của các nhà đầu tư khi cổ phiếu này chào bán ở nước ngoài, và đã bán thành công cho gần 80 nhà đầu tư với giá 39.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi lên sàn, VPB tiếp tục được giới đầu tư nước ngoài săn đón như quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ đầu tư do Dragon Capital; quỹ Vietnam Holding Limited; Phatra Capital Public hay quỹ ngoại Composie Capital Master Fund LP…
Hiện tại, cổ đông ngoại đang sở hữu khoảng 26,37% vốn của VPBank, tăng mạnh so với mức 22% khi cổ phiếu này vừa niêm yết.
Khó có thể theo kịp thị giá của Vietcombank nhưng trên sàn chứng khoán 2 cổ phiếu VCB và VPB vẫn được xếp ở nhóm trên của ngành khi thị giá cao vượt trội.
Không quá hấp dẫn như VPBank nhưng cổ phiếu VIB cũng có được vị trí tốt trong nhóm ngân hàng niêm yết.
Theo đó, VIB hiện nằm trong nhóm 2 về thị giá của hệ thống ngân hàng cùng với những tên tuổi lớn như MBBank, Vietinbank và BIDV. Dù mới đưa cổ phiếu lên sàn UpCOM đầu năm nay với giá 17.000 đồng/cổ phiếu, đến nay, thị giá VIB đã tăng 35% hiện giao dịch với giá trên 23.000 đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản VIB không quá lớn nhưng cổ phiếu nhà băng này lại tỏ ra cực kỳ hấp dẫn với những lãnh đạo và người thân của các cổ đông.
Theo đó, từ khi niêm yết, cổ phiếu VIB liên tiếp được các sếp lớn và người nhà mua bán, sang tay. Mới đây nhất, bà Ngô Minh Hiền, vợ Phó Tổng giám đốc Hồ Vân Long, đã mua hơn 1,37 triệu cổ phiếu bằng phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Trước giao dịch, bà Hiền nắm chưa đến 12.000 cổ phiếu VIB, hiện tại bà sở hữu 1,6 triệu cổ phiếu, tương đương 0,28% vốn của VIB.
Trước đó, người nhà của các lãnh đạo ngân hàng VIB liên tục giao dịch cổ phiếu với các lô lớn. Điển hình như cả bố vợ, vợ và con trai ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT, đều mua từ 27-28 triệu cổ phiếu, tương đương 4,9% cổ phần của ngân hàng. Cá nhân ông Vỹ cũng đang sở hữu 4,99% vốn ngân hàng.
Mảng tối của bức tranh ngân hàng niêm yết năm qua
Cả Kienlongbank và LienVietPostBank đều thực hiện niêm yết trên sàn UPCoM trong năm qua, nhưng không như VIB, giao dịch cổ phiếu 2 nhà băng này rất ảm đạm.
Hiện tại, thị giá của cả LienVietPostBank và Kienlongbank đều nằm dưới thị giá phiên giao dịch đầu tiên.
Cụ thể, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank được đưa lên sàn với giá tham chiếu 14.800 đồng/cổ phiếu. Khi mới lên sàn, LPB cũng lọt top những cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản tốt nhất khi trung bình mỗi phiên giao dịch đều có vài triệu cổ phiếu LPB được giao dịch. Tuy nhiên, hướng thị giá LPB lại quay đầu đi xuống khi liên tục giảm trong nhiều phiên. Hiện tại, thị giá của LPB chỉ còn trên dưới 13.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 13% so với ngày đầu tiên.
Thanh khoản vẫn được duy trì ổn định, nhưng LPB lại tỏ ra không hấp dẫn với chính lãnh đạo ngân hàng này.
Cụ thể, tháng 10 vừa qua, sau khi công bố kế hoạch phát hành 104 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Hàng loạt lãnh đạo từ Chủ tịch đến Tổng giám đốc cùng 5 Phó tổng giám đốc, 2 thành viên BKS ngân hàng này đã đồng loạt bán ra quyền mua cổ phiếu được thưởng.
Giới đầu tư chứng khoán tỏ ra bất ngờ với thông tin hàng loạt lãnh đjao ngân hàng này từ chối quyền thua thêm cổ phiếu.
Tuy nhiên, một đại diện từ LienVietPostBank chỉ nói ngắn gọn: “Nhường quyền mua cổ phiếu LPB tới những người khác để họ gắn bó với ngân hàng”.
Cổ phiếu kém hấp dẫn nhất niêm yết trong năm qua có lẽ là KLB của Kienlongbank, nơi bầu Thắng (ông Võ Quốc Thắng) đang là Chủ tịch HĐQT.
Theo đó, Kienlongbank niêm yết cổ phiếu trên UPCoM từ cuối tháng 6 với giá tham chiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau những phiên giao dịch đầu tích cực với thanh khoản ổn định, KLB bắt đầu lao dốc từ giữa tháng 7. Hàng chục phiên đỏ sàn trong một tháng đã kéo KLP lao nhanh về vùng giá 9.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện tại, KLB là cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp thứ 3, chỉ trên NCB và SHB, đồng thời là một trong 3 mã cổ phiếu ngân hàng giao dịch dưới giá trị sổ sách.
Kienlongbank là ví dụ điển hình của ngân hàng nhỏ niêm yết trên sàn chứng khoán phải đối mặt với nhiều khó khăn khi không nhận được sự quan tâm của thị trường. Thanh khoản của KLB cũng thuộc hàng thấp nhất hệ thống, trung bình mỗi phiên chỉ vài nghìn cổ phiếu được giao dịch, thậm chí có ngày chỉ chưa đến 400 cổ phiếu được mua, bán.
Dù kết quả kinh doanh không quá kém so với quy mô ngân hàng, nhưng KLB vẫn không được các nhà đầu tư chào đón.
KLB cũng là mã cổ phiếu không xuất hiện thông tin xấu, nhưng cũng không có thông tin nào nổi bật để giới đầu tư chú ý, nên thanh khoản và thị giá cổ phiếu này ngày càng giảm. Hiện tại, cả KLB và LPB đều không có sự hiện diện của quỹ ngoại lớn nào.
(Theo Zing)