Tại các nước châu Á, vô số những con sông đã bị khai tử để đổi lấy nhiều dự án tham vọng theo kiểu ‘dời non, lấp bể’.
Chặn sông Dương Tử làm đập khổng lồ
Tổng chi phí dự trù để xây đập được công bố 25 tỷ USD nhưng ước tính số tiền thực rơi vào khoảng 75 tỷ USD (hoặc hơn) |
Trung Quốc xây đập thủy điện Tam Hiệp, có quy mô lớn nhất thế giới. Để thực hiện dự án, từ năm 1997, Bắc Kinh đã chặn sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á và thứ ba thế giới. 1,9 triệu người mất nhà cửa. Hệ sinh thái dọc và trên sông Dương Tử bị lâm nguy. Lở đất nghiêm trọng xảy ra ở hai bờ các nhánh sông xảy ra do mức nước chứa trong hồ dâng cao. Một số vụ lở đất gây nên sóng thần cao 50m.
Chính quyền Trung Quốc hiểu rõ các hiểm họa này nhưng vẫn tiến hành dự án, nhằm chuyển dòng nước từ phía nam vốn đã khô hạn sang sông Hoàng Hà và các sông khác. Đây được coi là một ‘nỗ lực giải cứu khẩn cấp’ cho tình hình gay go ở vùng đông bắc Trung Quốc.
28.000 dòng sông bị xóa sổ
Năm 2013, Bộ Tài nguyên Nước của Trung Quốc thông báo kết quả thống kê gây sốc, đó là 28.000 trong số khoảng 50.000 con sông của nước này đã biến mất. Xét theo khía cạnh lưu vực, có thể so sánh số sông Trung Quốc bị mất đi tương đương với việc Mỹ mất đi toàn bộ sông Mississippi.
Quan chức Trung Quốc giải thích sự sụt giảm về mặt số liệu này trước hết là do nâng cấp phương pháp thống kê, do giảm lưu lượng nước và sạt lở đất, và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trên mạng Sina Weibo, một người đã đăng tải bản đồ cũ của sông Qingdao (Thanh Đảo) với nhiều tuyến đường thủy phong phú và khá chi tiết.
Bản đồ này cũng cho thấy con sông đã biến mất nhưng không phải bởi ‘các kỹ thuật thăm dò tân tiến hơn’, mà đơn giản là sông đã biến thành các tuyến đường bộ.
Khoảng thời gian 3 thập kỷ qua là quãng thời gian những con sông biến mất, trùng khớp với giai đoạn công nghiệp hóa và đô thị hóa với tốc độ chóng mặt ở Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, hệ thống quản lý nước của Trung Quốc có từ thời những năm 1960. Khi đó, hàng loạt các trận lũ có sức hủy diệt lớn buộc Chủ tịch Mao Trạch Đông phải cho xây dựng hàng loạt con đập, các hồ chứa nước, và đập tràn.
Hệ thống này giúp ngăn lũ, nhưng gây ra mất cân bằng sinh thái bằng cách ngăn con sông làm nhiều khúc, trong khi đây vốn là những con sông từng chảy về đồng bằng phương Bắc. Hệ quả, các sông hồ trong khu vực bắt đầu bốc hơi và biến mất.
Ấn Độ lo Trung Quốc bức tử sông Brahmaputra
Đây được cho là khu vực Trung Quốc dự tính xây dựng nhà máy thủy điện khổng lồ tại Medog, gần khu vực Great Bend, cũng thuộc lưu vực sông Brahmaputra. |
Sông Brahmaputra (theo tiếng Tây Tạng là Yarlung Tsango), chảy từ dãy Himalaya qua các nước Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc, từ lâu đã là tâm điểm một cuộc chiến giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là dự tính xây 25 dự án thủy điện trên thượng nguồn sông Brahmaputra, trong đó có khả năng Trung Quốc xây dựng nhà máy thủy điện khổng lồ tại Medog, gần khu vực Great Bend, cũng thuộc lưu vực sông Brahmaputra. Nếu dự án này được triển khai thì đập thủy điện này sẽ còn lớn gấp đôi đập Tam Hiệp hiện nay.
Ấn Độ lo ngại dự án này thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông, gây hậu quả môi sinh, hoặc thậm chí là một ‘vũ khí’ nhằm chống lại New Delhi do một phần lớn nước tưới của sông thuộc lãnh thổ Ấn Độ.
Tham vọng của Ấn Độ trên sông Godavari và Krishna
Ấn Độ mới đây đã tiến hành dự án khổng lồ, chi phí lên tới 168 tỷ USD, liên quan tới việc nối sông Godavari và Krishna, hai con sông lớn thứ hai và thứ tư của nước này, thông qua một con kênh ở Andhra Pradesh.
Dự án này nhằm nối 37 con sông từ Himalaya và vùng bán đảo. Theo đó, sông nào thừa nước sẽ được ngăn lại, và dòng chảy sẽ đổ sang sông khác. Tổng thể, khoảng 30 kênh và 3.000 hồ chứa lớn nhỏ sẽ được xây dựng với tiềm năng phát điện là 34 gigawatt.
Các nhà chức trách Ấn Độ nói rằng việc nối các con sông sẽ giảm đáng kể việc mất cân bằng về nước ở các vùng, và mang lại lợi ích về tưới tiêu, cung cấp nước sử dụng và công nghiệp, phát điện, hỗ trợ giao thông đường thủy.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nước này cảnh báo đây là một dự án rất liều lĩnh và nguy hiểm, vì con sông không phải là một ‘đường ống dẫn nước mà chúng ta có thể kiểm soát’.
Lê Thu
Dự án tỷ đô dọc sông Hồng: Đừng để "nhộng" thành "sâu"
Khi xem xét những dự án như thế này trước hết phải xét đến bài toán về“sinh thái” và bài toán về “chi phí cơ hội”.
Chưa quốc gia nào cho nối sông biên giới
Phân tích của nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, GS.TS Vũ Trọng Hồng.
Siêu dự án dọc sông Hồng: Dân hay ai hưởng lợi?
Đây là dự án “lợi bất cập hại”. Lợi thì trước hết cho chủ đầu tư và các “cổ đông” nhưng cái hại thì toàn dân phải gánh chịu.