"Trường ma" - Con đường lách luật visa
"Trường ma" hay còn gọi là "nhà máy visa" không cung cấp khóa học thực sự, mà chỉ tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế đến Australia dưới vỏ bọc du học để làm việc. Những cơ sở này đã tồn tại nhiều năm, gây rắc rối lớn cho ngành giáo dục nghề nghiệp của Australia.
Hồi tháng 8, chính phủ Australia thông báo đóng cửa khoảng 150 "trường ma" và cảnh báo 140 trường khác, đồng thời triển khai chiến dịch mạnh mẽ để đối phó với các hành vi gian lận trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo tờ The Tribune ở Ấn Độ, nhiều sinh viên đã chi hàng nghìn USD để nhập học tại các trường này. Một vài trong số 150 "trường ma" bị đóng cửa có liên quan hoặc đồng sở hữu bởi các đại lý và nhà tư vấn visa du học gian dối.
Một sinh viên kể, anh đến Australia 2 năm trước với visa du học và được đảm bảo không cần đến lớp hay thi cử, có thể làm việc toàn thời gian.
"Giờ đây, tôi được thông báo trường mình học đã bị đóng cửa, còn đại lý tư vấn ngừng hoạt động vào tháng 3 sau khi bị điều tra trong một vụ lừa đảo visa", sinh viên này kể.
Một sinh viên khác cho biết cô và anh trai làm việc tại một quán cà phê ở Adelaide (Australia) nhưng vào tháng 8, họ được yêu cầu quay lại trường học. "Nhà chức trách sau đó đóng cửa trường này. Cho đến nay, chúng tôi vẫn không biết phải làm sao. Chúng tôi đã trả toàn bộ học phí khóa học", nữ sinh cho biết.
Một đại lý di trú tại Ấn Độ, người từng đưa hơn 250 sinh viên đến Australia 4 năm qua, cho biết ông đã ngừng hoạt động sau khi Canada và Australia siết chặt các quy định về visa du học.
"Nhiều trường tư ở Canada và Australia nhận tài trợ từ các đại lý như chúng tôi. Tôi đã bảo sinh viên chớ hoảng loạn và sẽ có cách giải quyết sớm", người này nói.
Một đại lý khác khẳng định, các sinh viên biết rõ việc nhập học chỉ là một thủ tục và họ ra nước ngoài để làm việc cho đến khi được quyền cư trú, vì thế họ không phải là nạn nhân.
Thực trạng lạm dụng visa du học để làm việc chui
Báo cáo Nixon tháng 3/2023 của Bộ Nội vụ Australia chỉ ra việc lạm dụng hệ thống visa là vấn đề nghiêm trọng. Trong số 4.000 nhà cung cấp giáo dục nghề nghiệp tại Australia, 800 cơ sở nhận sinh viên quốc tế đã bị đặt trong tầm ngắm vì rủi ro cao.
Cựu giám đốc nghiên cứu tại một "trường ma" có hơn 600 sinh viên trong danh sách nhưng chẳng một ai tới lớp, chia sẻ rằng anh bị ép phải "báo cáo giả" về tình trạng vắng mặt của sinh viên - những người đến từ một số tỉnh nghèo của Trung Quốc, được đưa tới Australia làm việc tại công trường xây dựng thay vì học tập.
"Tôi đã từ chức và báo cáo sự việc cho chính quyền", vị này kể về quyết định của mình khi quá bức bối trước những gì thấy ở "trường ma".
"Chúng tôi gọi các cơ sở này là 'trường ma', vì rất ít sinh viên đến lớp. Tôi đã vào một vài trường. Tại đây, giáo viên ngồi bên bàn, làm việc với máy tính, trong những lớp học không bóng sinh viên", Giám đốc điều hành Học viện Giáo dục Nghề nghiệp và Thương mại Úc (AAVET), Menelaos Koumides, cho biết.
Trước đó, đã có những kêu gọi trục xuất bất kỳ sinh viên nào được phát hiện đã nhập học vào các "trường ma" nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng điều này có thể gây nhiều hệ lụy, như khiến sinh viên quốc tế nộp đơn xin tị nạn hoặc làm gia tăng những cuộc biểu tình của sinh viên ở khắp đất nước.
Tác động tới sinh viên thật và nền kinh tế Australia
Theo Bộ Giáo dục Australia, có gần 970.000 sinh viên quốc tế đăng ký học tại nước này từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Sinh viên đến từ Trung Quốc là đông nhất (22%), tiếp theo là Ấn Độ (17%), Nepal (8%), Philippines (5%) và Việt Nam (5%).
Theo tờ News của Australia, trong hệ thống giáo dục nước này, tăng trưởng của ngành giáo dục nghề nghiệp (VET) cao nhất, đạt 42%.
Các biện pháp siết chặt visa của chính phủ Australia không chỉ nhắm vào "trường ma" mà còn ảnh hưởng đến cả sinh viên chân chính. Việc yêu cầu về tiếng Anh cao hơn, tăng phí xin visa, và giới hạn số lượng sinh viên quốc tế mới khiến nhiều người lo ngại về tương lai.
Anannyaa Gupta, một sinh viên Ấn Độ, cho biết sau khi lấy bằn cử nhân tại Đại học Monash, Melbourne vào tháng 7, cô dự định học thạc sĩ và làm việc trong lĩnh vực nhân viên xã hội, một ngành đang thiếu nhân lực tại Australia. Tuy nhiên, những thay đổi gần đây khiến cô và nhiều sinh viên khác hoang mang.
Giáo dục là ngành xuất khẩu lớn thứ tư của Australia, đóng góp hàng tỷ USD mỗi năm. Sinh viên quốc tế chiếm tỷ lệ lớn trong nguồn thu của các trường đại học.
Tuy nhiên, chính phủ Australia đang chịu áp lực giảm nhập cư để giải quyết khủng hoảng nhà ở và chi phí sinh hoạt. Điều này dẫn đến kế hoạch giới hạn số lượng sinh viên quốc tế mới ở mức 270.000 vào năm 2025, gần bằng trước đại dịch.
Dù các biện pháp này được kỳ vọng giúp hệ thống bền vững hơn, nhưng nhiều ý kiến cho rằng chúng có thể làm tổn hại uy tín quốc tế của Australia, gây thất thu cho nền kinh tế và làm nản lòng sinh viên quốc tế.