Tư lệnh PDQ Miền Tây
Rạng sáng ngày 22/6/1941, bất chấp Hiệp ước không xâm phạm, phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô. Vài giờ sau, cùng với quân khu Viễn Đông, 5 quân khu đóng ở vùng lãnh thổ phía tây Liên Xô là Leningrad, Pribaltic, Miền Tây, Kiev và Odessa được tổ chức lại thành các phương diện quân (PDQ) Miền Bắc, Tây Bắc, Miền Tây, Tây Nam, Miền Nam. Với biên chế 170 sư đoàn, các PDQ này bố trí lần lượt từ bắc xuống nam suốt chiều dài gần 4.500km biên giới.
Nằm giữa các PDQ Tây Bắc và Tây Nam, PDQ Miền Tây có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Liên Xô với phạm vi hoạt động từ nam Litva đến sông Prypiat và thành phố Vlodava với một đường biên giới dài gần 750km. Tư lệnh PDQ là Đại tướng Dmitri Grigorevich Pavlov (sinh năm 1897), người trưởng thành từ lực lượng Tăng thiết giáp, từng tham gia Nội chiến và chiến tranh với Phần Lan, được phong tặng Anh hùng Liên Xô do có thành tích chiến đấu ở Tây Ban Nha.
Binh sĩ thuộc PDQ Miền Tây Liên Xô chiến đấu tại Smolensk. Ảnh: Wikipedia |
Vào thời điểm 22/6/1941, biên chế của PDQ Miền Tây gồm 44 sư đoàn bộ binh, xe tăng, cơ giới, kỵ binh… thuộc các Tập đoàn quân (TĐQ) 3, 4 và 10 đóng trải dọc biên giới và Quân đoàn 13 đóng ở tổng hành dinh (Bialystok). Như vậy, lực lượng phòng thủ biên giới ở khu vực trách nhiệm của PDQ Miền Tây là khá mỏng, nguyên nhân là do khu vực này mới được sáp nhập vào Liên Xô sau Hiệp ước Molotov-Ribbentrop và có rất ít đơn vị quân Liên Xô cắm chốt tại đây.
Với lực lượng đông gấp nhiều lần và ưu thế tuyệt đối về không quân, xe tăng, lại nắm được thế chủ động, bất ngờ, ngay trong ngày đầu tiên của chiến tranh, các đơn vị thuộc Cụm TĐQ Trung tâm quân Đức đã làm tê liệt phần lớn các đơn vị xe tăng và phòng không, không quân của PDQ Miền Tây. TĐQ số 4 và số 9 của Đức đánh vào sườn phía bắc và phía nam Bialystok, tạo thành gọng kìm vây lực lượng chính của PDQ Miền Tây, trong khi quân đoàn Panzer số 47 cắt đứt Slonim và Volkovysk.
Thế trận này buộc PDQ Miền Tây phải rút lui để khỏi bị tiêu diệt, và như vậy mở toang phía nam Minsk cho quân Đức. Ngoài ra, theo Nguyên soái G. Zhukov thì do không nắm chính xác tình hình chiến sự ở các đơn vị dưới quyền; không hình dung được đầy đủ về các đạo quân phát xít đã vượt biên giới vào như thế nào, Đại tướng Pavlov thường có những quyết định không phù hợp với tình hình.
Hậu quả, ngày 27/6/1941, các TĐQ xe tăng 2 và 3 quân Đức tấn công từ hai mặt bắc, nam và gặp nhau gần Minsk, bao vây các TĐQ 3, 10, 13 và một phần TĐQ 4 của PDQ Miền Tây, loại khỏi vòng chiến đấu 20 sư đoàn. Số quân còn lại rút lui về phía đông đến sông Berezina.
Ngày 28/6, các TĐQ số 4 và số 9 của Đức gặp nhau ở phía đông Bialystok và chia cắt lực lượng Hồng quân đang bị bao vây thành 2 cụm, ở Bialystock và Novogrudok. Như vậy, chưa đầy một tuần từ khi chiến tranh bắt đầu, các đơn vị của PDQ Miền Tây đã phải rút lui cách biên giới đến 350-400km, tổn thất 420.000 trong tổng số 625.000 quân và hầu như bị tan rã.
Ngày 30/6, Đại tướng Pavlov bị triệu hồi về Moscow và bị cách chức Tư lệnh PDQ Miền Tây. Đến ngày 2/7, ông trở lại mặt trận với cương vị Phó tư lệnh chính phương diện quân của mình. Tuy nhiên chỉ 2 ngày sau, 4/7, Pavlov bị bắt. Ông bị kết tội hèn nhát, bội phản, đầu hàng, không chiến đấu, tự ý rút bỏ các vị trí chiến lược, bị cách mọi chức vụ, tước các huân, huy chương.
Ngày 22/7, Pavlov bị kết án tử hình và bị xử bắn ngay trong hôm đó. Cùng bị xử tử với Pavlov còn có các chỉ huy của PDQ Miền Tây, gồm Thiếu tướng V. Klimovskikh - Tham mưu trưởng PDQ, Thiếu tướng A. Krigorev- Chủ nhiệm Thông tin liên lạc và Thiếu tướng A. Korobok- Tư lệnh TĐQ số 4. Phó tư lệnh PDQ Ivan Boldin vào thời gian này đang trong vòng vây quân Đức nên không bị truy cứu trách nhiệm.
Các vị tư lệnh khác
Ngoài D. Pavlov, số phận cả 5 vị tướng là tư lệnh các PDQ thời điểm xảy ra chiến tranh đều thiếu may mắn.
Đại tướng M. Popov chỉ làm Tư lệnh PDQ Miền Bắc đến đầu tháng 9/1941, sau đó bị thay thế rồi lần lượt đảm trách các cương vị thấp hơn. Tháng 4/1944, ông thậm chí bị hạ cấp từ đại tướng xuống thượng tướng, mãi đến nhiều năm sau chiến tranh mới được phong quân hàm đại tướng trở lại ở cương vị phó Tư lệnh thứ nhất Lục quân.
Ngày 3/7/1941, Thượng tướng, Tư lệnh PDQ Tây Bắc F. Kuznetsov bị cách chức do “đánh mất kiểm soát bộ đội dưới quyền” và xuống làm Tư lệnh TĐQ. Ngày 24/7, được bổ nhiệm làm Tư lệnh PDQ Trung tâm, nhưng sau trận Smolensk lại bị huyền chức. Sau đó, F. Kuznetsov chỉ đảm nhiệm các cương vị thấp hơn (như tư lệnh TĐQ, phó tư lệnh một số PDQ...).
Những ngày đầu chiến tranh, các đơn vị thuộc PDQ Tây Nam do Thượng tướng, Anh hùng Liên Xô M. Kirponos chỉ huy bị quân Đức bao vây ở khu vực gần Kiev. Trong lần cùng Bộ Chỉ huy PDQ phá vây, Tư lệnh Kirponos đã hi sinh trong tình huống cho đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Ngày 21/6/1941, từ Tư lệnh Quân khu Moscow, Đại tướng I. Chiulenhev được bổ nhiệm làm Tư lệnh PDQ Miền Nam (lúc này còn là Quân khu Odessa) và khi chiến tranh xảy ra rồi, ông mới đến được đơn vị mới. Chính vì vậy mà ông tỏ ra “lóng ngóng trong việc chỉ huy bộ đội, không biết tấn công cũng không biết rút lui” như Stalin đánh giá. Tuy nhiên, ông không bị cách chức nhưng đến ngày 29/8/1941 thì bị thương nặng. Sau khi ra viện, ông về làm Tư lệnh Quân khu Ural để lo việc thành lập các đơn vị mới. Giai đoạn cuối chiến tranh, Chiulenhev chỉ huy PDQ Ngoại Kavkaz, là hướng thứ yếu của toàn bộ mặt trận. Năm 1978, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và mất ngay trong năm đó.
Đang đảm nhiệm vị trí Tư lệnh PDQ Viễn Đông, Đại tướng Iossif Apanasenko đòi ra chiến trường và năm 1943 được trao vị trí Phó tư lệnh PDQ Voronhezh. Một tháng sau ngày đến đơn vị mới, ngày 5/8/1943, ông hi sinh trong một trận ném bom của không quân Đức.
Nguyên Phong
Sức mạnh “xe tăng bay” của Không quân Liên Xô trong Thế chiến Hai
Trong Thế chiến Hai, máy bay Ilyushin Il-2 của Liên Xô đã chứng tỏ sức mạnh trên chiến trường trước phát xít Đức.
Nhà cầm quân hàng đầu của quân đội Liên Xô
Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức xâm lược (1941-1945) đã sản sinh ra hàng loạt thống soái, tướng lĩnh xuất sắc.