Trước thông tin hàng loạt cây sưa quý hiếm trên đường Nguyễn Văn Huyên chết khô, chiều 3/3, ông Ma Kiên Ngọc (đại diện đơn vị được giao quản lý và chăm sóc hàng cây sưa) cho VietNamNet biết "có bảy cây sưa đã chết do yếu tố khách quan".
Ông Ngọc xác nhận: "Các cây sưa quý bị chết có đường kính khoảng 20-25cm, cây chết do yếu tố khách quan, là đơn vị chăm sóc, không ai muốn cây bị chết như vậy".
Theo tìm hiểu, hàng cây sưa quý trên được di dời đến vị trí mới nằm trong dự án xây dựng nút giao cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch vành đai 2,5.
Hàng sưa quý hiếm chết khô trên đường Nguyễn Văn Huyên |
Vỏ một số thân cây bị bong tróc lộ ra thân cây chết khô |
Cụ thể, việc trồng cây sưa nằm trong gói thầu số 13 của dự án do Công ty CP công trình giao thông 2 Hà Nội thực hiện. Các hạng mục thi công gồm cắt tỉa và dịch chuyển 107 cây (trong đó có 32 cây sưa, một cây thàn mát, 74 cây bóng mát các loại).
Đối với 32 cây sưa, đơn vị thi công thực hiện việc chuyển đến trồng tại vị trí vỉa hè mới trên đường Nguyễn Văn Huyên theo thiết kế đã được UBND TP thống nhất vào tháng 2/2020.
Sau một thời gian chuyển đến vị trí mới, qua nhiều đợt kiểm tra, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP phát hiện có bảy cây sưa đã chết, 25 còn lại cây sinh trưởng ổn định.
Có 7/32 cây sưa bị chết do yếu tố khách quan |
Các gốc sưa được đơn vị thi công lắp lớp bảo vệ bằng thép |
Sau khi phát hiện có các gốc sưa quý hiếm chết sau khi di dời, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản báo cáo UBND TP về việc chặt hạ và đấu giá theo quy định.
Cụ thể, đối với cây sưa bị chết, giao Ban quản lý dự án phối hợp cơ quan chức năng giám định mẫu vật để xác định chủng loại gỗ.
Trường hợp xác định là cây gỗ quý hiếm giao cho Sở Xây dựng cấp giấy phép chặt hạ. Đồng thời, phối hợp đơn vị chức năng của Sở Xây dựng đo đạc, thu hồi về kho của Công ty TNHH MTV công viên cây xanh bảo quản để thực hiện bán đấu giá.
Sau khi chặt hạ các cây chết, Ban quản lý dự án phối hợp với nhà thầu thi công trồng thay thế bằng cây giáng hương để đồng bộ với hiện trạng cây sưa sau dịch chuyển. Việc thực hiện các yêu cầu trên đến nay đang chờ chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Đoàn Bổng - Hữu Thắng
Phong lá đỏ ở Hà Nội đang thay lá chứ không phải chết
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội khẳng định, hàng phong lá đỏ đang thay lá chứ không phải chết. Có hơn chục cây chết đã được loại bỏ.