Như VietNamNet đã đưa, CQĐT vừa khởi tố bắt tạm giam đối với cựu Chủ tịch TP Hạ Long Phạm Hồng Hà, thu giữ nhiều tài liệu đồ vật, trong đó có 4 chiếc xe đắt tiền.
Theo Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, có thể CQĐT xác định những chiếc xe này là vật chứng của vụ án, có liên quan đến tội phạm nên tạm thời thu giữ để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc xử lý vật chứng vụ án hình sự được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó, “vật chứng” là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án.
Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quyền: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.
Như vậy, tạm giữ tài liệu đồ vật phải có liên quan đến vụ án, theo trình tự thủ tục luật định. Cũng có thể tài sản có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật khác mà cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra, làm rõ.
Nếu quá trình điều tra mà có căn cứ xác định tài sản không liên quan đến tội phạm thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu, trừ trường hợp tài sản đó là của người phạm tội, cần phải tạm giữ để đảm bảo thi hành án đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Vẫn theo luật sư, đối với những chiếc xe sang thu giữ tại nhà cựu Chủ tịch TP Hạ Long, CQĐT sẽ tiến hành bảo quản, quản lý theo quy định của pháp luật và xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng những chiếc xe này như thế nào, có liên quan đến tội phạm hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp những chiếc xe này không có liên quan đến tội phạm, không phải nguồn gốc do phạm tội mà có cũng không sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội và không phải tài sản thuộc sở hữu của bị can mà là tài sản của người khác thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật.
Làm rõ việc đưa và nhận hối lộ
Trong vụ án này, ông Phạm Hồng Hà bị khởi tố, bắt giam về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước đó ông Phạm Hồng Hà giữ chức Chủ tịch UBND TP Hạ Long và Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long. Ngày 3/9/2020, ông Hà nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ.
Liên quan đến vụ án, CQĐT khởi tố Bùi Sĩ Giáp (nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) và Phạm Thái Dương (nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) tội Nhận hối lộ.
Theo Tiến sỹ Đặng Văn Cường, CQĐT sẽ làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận tiền, tài sản của doanh nghiệp nhằm thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tài sản.
Đối với tội Nhận hối lộ, về nguyên tắc, có người nhận hối lộ, sẽ có người đưa hối lộ và có thể có thêm người môi giới hối lộ.
Bởi vậy, CQĐT cũng sẽ làm rõ thỏa thuận đưa nhận hối lộ giữa người có chức vụ quyền hạn với người khác được thực hiện như thế nào.
T.Nhung