Một nhân viên giao đồ ăn tại Bắc Kinh hôm 31/1. Ảnh: AP |
Trong thập kỷ qua, ngành công nghiệp giao đồ ăn trở nên phổ biến tại Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia nào khác, phục vụ hơn 500 triệu khách hàng và tuyển dụng 3 triệu tài xế. Tuy nhiên, dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã khiến ngành này thiệt hại không ít. Các nhà hàng dựa vào dịch vụ giao đồ ăn bị tê liệt, trong khi người tiêu dùng tìm kiếm giải pháp thay thế.
Cathy Liu, 25 tuổi, sống tại Bắc Kinh, cho biết cô đã ngừng đặt đồ ăn qua mạng vì dịch bệnh vô cùng nghiêm trọng và khiến cô hoảng sợ. Trước đây, cô đặt 1 tới 2 lần mỗi tuần. Cô lo ngại vì không biết người chế biến và thức ăn được bảo quản ra sao trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt, nhân viên giao hàng lại tiếp xúc với rất nhiều người mỗi ngày và tăng nguy cơ nhiễm virus.
Meituan Dianping và Alibaba, hai công ty giao đồ ăn lớn nhất nước, đang trong cuộc đua xử lý các lo ngại sức khỏe, không chỉ để bảo vệ doanh nghiệp mà còn giúp hàng triệu công dân khác.
Trường học, doanh nghiệp đóng cửa mang đến cơ hội thu lời hấp dẫn nếu họ trấn an được khách hàng. Trong dịch SAR 2003, mọi người đổ xô đặt hàng qua mạng khi buộc phải ở nhà. Tuy nhiên, tin tức về các nhân viên giao hàng mắc bệnh lại thổi bùng lo ngại. Mạng xã hội nước này đang chia sẻ câu chuyện về một tài xế đã giao gần 40 đơn hàng tại Thanh Đảo trước khi vợ của anh được chẩn đoán nhiễm virus. Tại Thâm Quyến, báo chí địa phương đưa tin một nhân viên nhiễm virus đã làm việc 14 ngày trước mà không có triệu chứng nào.
Nhiều tòa nhà phức hợp đã cấm tài xế giao đồ ăn, còn một số cộng đồng hạn chế với mọi người ngoài. Các nhà hàng cho biết lượng đơn hàng “rơi tự do”, còn khách hàng lại nói cước giao hàng tăng lên, đôi khi còn cao gấp đôi trước khi có dịch.
Meituan và Ele.me của Alibaba, nắm trong tay 90% thị phần, từ chối bình luận về sức khỏe của nhân viên. Dù vậy, họ nhấn mạnh các biện pháp đang áp dụng để bảo vệ tài xế và khách hàng. Meituan ra mắt dịch vụ tại 184 thành phố, trong đó đồ ăn được giao đến một trạm an toàn và người nhận không phải giao tiếp trực tiếp với nhân viên giao hàng. Ele.me cũng áp dụng giải pháp tương tự tại vài thành phố. Cả hai yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang, thường xuyên khử trùng thùng chở hàng, đo nhiệt độ hàng ngày.
Tại tâm dịch Vũ Hán, nơi 11 triệu người bị cách ly, Ele.me nói họ thưởng thêm cho tài xế, đồng thời giảm phí hoa hồng của các nhà hàng.
Coco Gao, 24 tuổi, công dân Chiết Giang và đang sống tại Bắc Kinh, không thể ra vào tòa nhà mà không bị đo thân nhiệt. Gần đây, một điểm nhận đồ ăn đã treo biển “Không chạm vào”. Gao cho rằng đây là điều có lợi cho cả tài xế lẫn khách hàng. Song, nó cũng phản ánh giai cấp xã hội khi người giầu ở nhà, gọi món còn người làm dịch vụ vẫn phải mạo hiểm sức khỏe để kiếm sống.
Một tài xế 27 tuổi giấu tên đang làm cho Meituan bày tỏ anh đang cân nhắc lại công việc do virus Corona. “Tôi đã nghĩ tới chuyện bỏ việc nhưng tôi cần tiền”, anh nói khi đang giao đồ ăn tại một khu căn hộ ở Bắc Kinh. Anh tự mua khẩu trang vì loại của Meituan cấp cho có chất lượng kém.
Do các khu phức hợp bắt đầu chặn lối ra vào với nhân viên giao hàng, rất khó để biết họ được đi hay không được đi đâu. Nó đồng nghĩa với thời gian chuyển phát tăng lên và nguy cơ bị phạt tiền vì giao không đủ nhanh cũng như ngày càng nhiều khách hàng khiếu nại hơn.
Tài xế kiếm chưa được 1 USD cho mỗi đơn hàng và trung bình phải giao 25 đơn một ngày. Họ phần lớn là thanh niên, đến từ vùng nông thôn và không có trình độ đại học. Khi phải gấp rút giao hàng đúng giờ, an toàn cũng là một lo ngại khác bên cạnh virus. Tại Thượng Hải, nhà chức trách cho biết tài xế giao hàng chiếm 80% tai nạn giao thông trong nửa đầu năm 2018.
Bất kỳ chậm trễ nào sẽ khiến tài xế bị phạt trong tương lai do thuật toán mà các hãng sử dụng để tối ưu tốc độ giao hàng. Do đó, họ phải làm việc dưới áp lực lớn, ông Geoffrey Crothall – Giám đốc truyền thông tổ chức China Labour Bulletin – nhận định.
Nỗi sợ hãi về nhân viên giao hàng đã ảnh hưởng tới các nhà hàng Trung Quốc. Tại một nhà hàng 5 sao ở Bắc Kinh, họ phải rút ngắn thời gian mở cửa khi lượng khách giảm tới 90%. Wang Liang, phục vụ tại đây, cho biết lượng đơn đặt hàng cũng giảm mạnh vì mọi người nghĩ mua thực phẩm về tự chế biến sẽ an toàn hơn. Anh nói: “Tôi thực sự không thể biết mọi thứ có thể khá hơn không. Virus đang lan truyền với tốc độ rất nhanh”.