Bán tàu, vay tín dụng đen

Tại diễn đàn về phục hồi bền vững du lịch mới đây, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long - ông Đào Mạnh Lượng - một lần nữa nhắc lại những sóng gió mà đội tàu hơn 500 chiếc của 245 hội viên đang gặp phải.

“Chủ tàu cạn kiệt mọi nguồn lực tài chính. Để có thể tồn tại, nhiều người phải tìm đến tín dụng đen. Số ít hiện nay phải duy trì trông giữ, bảo dưỡng bảo hành máy móc, mỗi tháng hết 200 triệu, 6 tháng ngốn hơn 1 tỷ.  Từ 3/2020 cho đến hiện tại, tôi phải chi 4 tỷ phí duy trì cho 8 tàu du lịch. Tôi phải bớt tàu để trả nợ và duy trì số còn lại, cũng may mắn còn bán được vì không ai muốn mua thời điểm này”, ông Lượng ngao ngán kể.

{keywords}
Các chủ tàu ở Hạ Long muốn đón khách bắt buộc phải được cấp phép

Trên thực tế, Quảng Ninh đã mở cửa với du lịch nhưng chủ yếu là khách nội tỉnh, lại không phải mùa du lịch. Nhiều DN như “chim sợ cành cong”, chưa dám khởi động trở lại do sợ rủi ro, thiếu lao động, thiếu vốn đầu tư bởi để tàu hoạt động được phải trang sửa; chưa kể những quy định ngặt nghèo, gây khó khăn trong việc đón khách. Tàu muốn phục vụ khách phải được cấp phép, quản lý lại không đồng bộ khiến chủ tàu rất e ngại.

Trong khi đó, DN rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ do thủ tục hành chính, nếu có cũng rất nhỏ nhoi không giúp họ vượt lên được khó khăn. Ông Lượng dẫn chứng, DN muốn vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh từ gói hỗ trợ, dù đáp ứng được các điều kiện, song lại thiếu báo cáo xác nhận quyết toán của cơ quan thuế. Gần 100% chủ tàu không có giấy này bởi không có khách, lấy đâu ra nguồn thu. Với gói vay để trả lương cho người lao động, chưa tới 6% các tàu tiếp cận được yêu cầu phải có xác nhận đóng BHXH cho tới thời gian vay.

Vì thế, trong 245DN hội viên nơi ông quản lý, chỉ 14DN đủ điều kiện vay, chiếm 5,8% với 174 lao động (trên tổng số khoảng 4.000 lao động) được hỗ trợ.

“Nếu đóng được BHXH thì DN đã rất khỏe rồi, đâu cần phải hỗ trợ”, ông chua xót.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), cho biết, thời gian qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ đến với các DN ngành du lịch, như gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021; giảm 15% tiền thuê đất (2020) và 30% (2021); giảm tiền điện, giảm thuế VAT,...

Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ, song, theo đánh giá của các DN trong ngành, để giúp doanh nghiệp vực dậy tiếp tục hoạt động, kinh doanh là rất khó.

Vì thế, trong gói hỗ trợ mới Bộ KH-ĐT đang soạn thảo, ông Phương cho hay Tổng cục Du lịch tiếp tục kiến nghị hỗ trợ các DN, lao động trong ngành , như kéo dài thời gian giảm thuế, phí, nới rộng điều kiện nhận hỗ trợ đến hết năm 2023. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập cá nhân với kinh doanh dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống, đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch,... Các DN du lịch được vay với lãi suất thấp, 3%/năm trong vòng 30 tháng, chỉ cần tín chấp hoặc thế chấp bằng dòng tiền kinh doanh thu về. Ngoài ra, cần miễn phí tham quan tại các điểm du lịch giúp doanh nghiệp giảm giá tour, kích cầu du lịch.

{keywords}
Khách quốc tế đã tăng trở lại sau 3 tuần Việt Nam mở cửa thí điểm (ảnh minh họa)

Bỏ chính sách “quay xe”

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, du lịch Việt Nam đã bước sang một trạng thái mới sau Nghị quyết 128, khi xác định “sống chung với Covid”.

Việc quan trọng nhất để du lịch có thể hồi phục, ông Bình nhấn mạnh, là sự đồng nhất giữa chính sách mở cửa tại tất cả các địa phương, để khách du lịch nội địa hay quốc tế thấy rằng chúng ta chỉ có một quy định duy nhất là đảm bảo an toàn cho khách, cho người dân; các quy trình hoạt động thống nhất từ cửa khẩu đến khi đi du lịch, tại tất cả các địa phương.

Việc đó không phải riêng ngành du lịch mà phụ thuộc vào nhận thức, trình độ thực hành chính sách ở các địa phương, có địa phương nôn nóng muốn mở cửa ngay, có địa phương cứ muốn đóng cửa. Các địa phương cần thống nhất hành động với TƯ, không để xảy ra chuyện nay mở mai đóng mà mọi thứ đều phải linh hoạt.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cũng đánh giá, Nghị quyết 128 chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ, bởi với 4 mức on/off (bật/tắt) hiện nay nhưng việc không có kế hoạch kèm theo dẫn tới sự thiếu đồng bộ giữa các địa phương, làm môi trường kinh doanh vạ lây.

Ông Kỳ phân tích, chính quyền TƯ thì dứt khoát “sống chung với Covid”, nhưng một số địa phương thì vẫn duy trì “Zero Covid”, dựng lên các hàng rào kỹ thuật.

“Chúng tôi gọi đó là quay xe trong chính sách, nên khi DN chuẩn bị điều kiện tái khởi động lại gần như bị vô hiệu chi phí đầu tư, điều này cần xem lại”, ông Kỳ kiến nghị và cho rằng, chính sách chiến lược chống Covid cần thống nhất trong giai đoạn dài, nhất quán, trên cơ sở đó DN mới xây dựng kế hoạch được, nếu “sáng nắng chiều mưa” sẽ thất bại cả.

Do đó, du lịch trong trạng thái bình thường mới, tức là tất cả các hoạt động đều trở lại bình thường như trước nhưng trong bối cảnh luôn luôn có dịch, dịch vẫn đồng hành. Chúng ta xác định an toàn nhưng phải sống, nếu không chưa chết vì dịch đã chết vì kiệt quệ kinh tế - ông Kỳ nhìn nhận.

Về thay đổi của hoạt động du lịch sau Covid, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, lưu ý, chính vì trong bối cảnh mới tuân thủ đề cao yếu tố an toàn nên sự thoải mái của du khách phần nào sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó, các DN cần tạo sự linh hoạt trong cung ứng và tổ chức dịch vụ. Đồng thời, do khách hàng ngày càng chủ động hơn khi đưa ra yêu cầu của mình nên thế mạnh của DN du lịch chính là tệp data dịch vụ, khả năng tư vấn, gợi mở, sắp xếp dịch vụ và kỹ năng xử lý tình huống cũng như bổ sung giá trị gia tăng cho khách trong suốt hành trình.

Ngọc Hà 

Tháng 12, Việt Nam đón đoàn khách Thái Lan đầu tiên

Tháng 12, Việt Nam đón đoàn khách Thái Lan đầu tiên

Việt Nam và Thái Lan sẽ cùng họp bàn triển khai trao đổi khách lẫn nhau. Dự kiến tháng 12, đoàn khách Thái Lan đầu tiên sẽ đến Việt Nam, tiến tới việc người Việt Nam sẽ được đi du lịch nước ngoài theo hình thức "bong bóng du lịch".