- Ông bà nội tôi có ba người con, trong đó bố tôi là con trai cả, dưới có hai cô đã đi lấy chồng và ở riêng. Năm 2007 ông nội mất, để lại căn nhà và đất đai gắn liền. Bà nội tôi đã gọi con cháu trong nhà lại, tỏ ý muốn chia tài sản thành 3 phần, riêng con trai cả (tức ba tôi) nhận phần đất có gắn với ngôi nhà để sau này còn thờ cúng.

Năm 2013, ba tôi mất, bà nội tôi vẫn giữ ý định chia nhà như cũ, để cháu đích tôn tiếp tục di nguyện của bà. Năm 2015 do tuổi cao sức yếu, bà nội qua đời. Khi ấy, cô lớn nhất định không chịu chia đất theo ý bà, đòi kiện ra tòa. Cô út và mẹ con tôi phát hiện ra con trai đầu của cô lớn tự ý đứng tên 150m3 trong số gần 1000m2 đất của ông bà để lại, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa lấy về vì chưa nộp thuế. 

Chúng tôi rất bức xúc, khi được hỏi thì cô lớn nói lúc còn sống, bà đã bán 150m2 đó cho con trai cô, chỉ là không viết giấy nên không có bằng chứng. Xin hỏi luật sư làm thế nào để chúng tôi biết việc anh ta tự đứng tên đất như vậy là hợp pháp? 

Trong thời gian tòa án đang giải quyết, tôi được biết anh họ tôi đang muốn bán 150m2 đó. Vậy chúng tôi có cần phải làm đơn gửi lên Chi cục thuế tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh họ tôi được không? Trường hợp nếu quyền sử dụng đất 150m2 của anh họ tôi là hợp pháp thì phần nhà đất còn lại có được chia theo di chúc của bà không hay phải mang ra luật pháp?

{keywords}
Cô út âm thầm cho con trai đứng tên đất của bà (Ảnh minh họa)

1. Nếu thông tin bạn cung cấp là chính xác thì việc anh họ của bạn thực hiện các thủ tục đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có văn bản chuyển nhượng tặng cho của bà bạn đồng thời gia đình bạn không hay biết thì có rất có khả năng anh họ bạn đã làm giả hồ sơ giấy tờ để lừa dối cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. 

Gia đình bạn cần lên làm việc với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để làm rõ nội dung này. Trong trường hợp làm giả hồ sơ giấy tờ, thì hành vi của anh họ bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức với mức hình phạt từ phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 

Bạn và gia đình cần làm đơn tố cáo vụ việc ra cơ quan công an để được điều tra giải quyết. Đồng thời gia đình bạn cũng cần có đơn ngăn chặn gửi lên văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, phòng tài nguyên môi trường để tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh họ bạn cho đến khi có kết luận của cơ quan điều tra. 

2. Do ông bà bạn mất đi không để lại di chúc (lời nói bằng miệng của bà bạn không được người làm chứng lập thành văn bản nên không được pháp luật thừa nhận) nên tài sản ông bà bạn để lại được chia theo pháp luật. 

Theo quy định tại Điều 676 thì những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.

Mặt khác, mặc dù bố bạn mất trước bà nội bạn nhưng bạn và các người con khác của bố bạn vẫn được thay bố bạn hưởng phần di sản bà nội bạn để lại theo quy định Điều 677 Bộ luật dân sự về thừa kế thế vị. 

Trong trường hợp thống nhất được phương án phân chia di sản, bạn và những người đồng thừa kế khác cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp không thống nhất được phương án phân chia di sản, nhưng người thừa kế có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để phân chia di sản qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. 

Tư vấn bởi luật sư Hoàng Tuấn Anh, công ty Luật Themis; SĐT 0986663459; email [email protected].

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc