Trong suốt hơn 20 năm qua, “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp xe điện BYD đã có số lượng bằng đăng ký sáng chế cao cấp 16 lần so với hãng xe điện đến từ Mỹ Tesla.
Thương hiệu đến từ Trung Quốc sử dụng các khung pháp lý để bảo vệ công nghệ pin độc quyền, trong khi đứa con cưng của tỷ phú Elon Musk dựa vào các tiến bộ trong công nghệ chế tác để đối thủ không thể sao chép được.
Theo Patent Result, từ khi thành lập vào năm 2003 đến năm 2022, Tesla đã nộp đơn đăng ký 836 bằng sáng chế, trong khi BYD đã nộp hơn 13.000 bằng sáng chế trong cùng khoảng thời gian.
Ông Hideto Kono, luật sư chuyên về bằng sáng chế, nhận xét lẽ ra một hãng xe cỡ lớn như Tesla thường sẽ phải nộp số lượng “gấp 10 lần như thế”.
Công nghệ pin độc quyền có thể bị tiết lộ thông qua việc tháo rời, do đó việc đăng ký bằng sáng chế trở nên quan trọng đối với các hãng xe điện hơn bao giờ hết. Hơn một nửa số bằng sáng chế của BYD có liên quan đến công nghệ pin. Hãng xe có trụ sở tại Thâm Quyến sử dụng nguồn lực nội bộ để sản xuất pin, nhằm giảm chi phí sản xuất. BYD cũng đã nộp nhiều bằng sáng chế liên quan đến công nghệ cắt giảm chi phí này.
Thế mạnh của BYD đến từ loại pin lithium-ion giá rẻ, vốn sử dụng hợp chất sắt phosphat làm cực âm. Ngược lại, các nhà sản xuất pin ở Nhật Bản và Hàn Quốc thường ưa chuộng loại pin lithium ternary sử dụng các nguyên liệu đắt đỏ như niken và coban. BYD cũng đã phát triển các biện pháp cắt giảm chi phí tương tự cho cấu trúc khung xe, như nền tảng e-platform 3.0 tích hợp pin vào thân xe.
Theo một số nguồn tin, có đến hơn 10.000 vụ kiện liên quan đến bằng sáng chế tại Trung Quốc. Trong khi tại Mỹ và Nhật Bản, con số này lần lượt chỉ khoảng 3.000 vụ và 100 vụ.
Tesla, vốn chiếm ưu thế về công nghệ sản xuất và phần mềm, đã lựa chọn một phương pháp tiếp cận khác. Các công nghệ mới nhất chỉ được áp dụng bên trong nhà máy, giúp giảm nguy cơ bị các đối thủ sao chép.
Và mặc dù việc đăng ký bản quyền các công nghệ này chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian, chi tiết của các công nghệ khi đăng ký phải được công bố cụ thể, làm tăng nguy cơ đánh cắp thông tin. Thông thường, quá trình phát triển phần mềm đã sử dụng nhiều thông tin được công khai, nên lĩnh vực này có ít các bằng đăng ký bản quyền hơn.
Tesla đang dẫn đầu trong việc giảm chi phí sản xuất xe điện thông qua các cải tiến trong sản xuất, chẳng hạn như công nghệ đúc Giga Press. Giga Press sử dụng một máy đúc hợp kim nhôm cỡ lớn để tạo ra một bộ phận thân xe hoàn chỉnh, vốn chỉ được lắp ghép từ những chi tiết nhỏ hơn theo công nghệ truyền thống. Cụ thể, chiếc Tesla Model Y đã được chế tạo từ 2 cấu trúc hợp kim nhôm cỡ lớn, vốn thay thế cho 171 chi tiết bằng thép truyền thống.
Vào tháng 3/2023, Tesla đã giới thiệu một khái niệm về phương pháp sản xuất thế hệ tiếp theo gọi là "quy trình không hộp" (unboxed process), trong đó các mẫu xe điện sẽ được sản xuất theo cách tương tự như máy tính và điện thoại thông minh. Chiếc xe được chia thành 6 module chính, mỗi module sẽ được sản xuất và lắp đặt các bộ phận nội thất trước khi được tích hợp vào sản phẩm cuối cùng.
Nhiều bằng sáng chế khác của Tesla tập trung vào cơ sở hạ tầng sạc và giao thức giữa tài xế và xe điện, trong đó tiêu biểu nhất là chuẩn sạc Bắc Mỹ, vốn đang trở thành tiêu chuẩn cho tất cả các dòng xe điện trên toàn Bắc Mỹ.
Việc cung cấp không chỉ các xe điện mà còn cơ sở hạ tầng sạc được phát triển nội bộ đã cho phép Tesla đạt được trải nghiệm người dùng đồng đều và tăng doanh số bán hàng.
Trong khi đó, Toyota đã nộp khoảng 20.000 bằng sáng chế liên quan đến pin từ năm 2000, nhiều hơn bất kỳ hãng sản xuất ô tô nào trên thế giới. Nhưng thách thức của họ nằm ở việc chuyển đổi những ưu điểm công nghệ này thành việc thương mại hóa các dòng xe điện.
Nhật Hoàng (Theo Nikkei)