Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tất cả người dùng ví điện tử (VĐT) phải xác thực thông tin tài khoản nhằm hạn chế nạn lừa đảo, rửa tiền, bảo vệ người dùng khi thanh toán. Để xác thực, người dùng phải chụp mặt trước và mặt sau của chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu, chụp ảnh chân dung để đối chiếu giữa hình ảnh trên giấy tờ và người sở hữu tài khoản. Nếu không chịu xác thực thì tài khoản sẽ bị tạm khóa.
Nhiều khách hàng từ chối xác thực định danh vì lo ngại lộ thông tin cá nhân |
Theo ghi nhận của chúng tôi, dù đến hạn chót, vẫn còn nhiều chủ VĐT không muốn thực hiện các bước xác thực tài khoản này vì cho rằng rườm rà, nhất là những người đang sở hữu nhiều ví. Chị Ngọc (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, đang sử dụng năm loại VĐT. Do thấy việc xác thực quá rườm rà, chị đã đóng bớt ba VĐT.
Một số chủ ví khác không chịu xác thực vì sợ lộ thông tin cá nhân. Họ cho rằng, các VĐT đều liên kết với tài khoản ngân hàng và người dùng đã được xác thực thông tin khi mở tài khoản, nên không cần phải xác thực qua VĐT nữa. “Tôi đang nghĩ đến việc đóng bớt VĐT để giảm khả năng lộ thông tin cá nhân” - anh Sơn, một chủ VĐT, nói.
Trước đây, khi chưa có quy định xác thực tài khoản, khách hàng có thể sử dụng một tài khoản ngân hàng không phải của mình để liên kết với VĐT. Nay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, để xác thực tài khoản thành công, thẻ ngân hàng liên kết với VĐT phải là thẻ ngân hàng chính chủ. Có không ít khách hàng đang dùng chung tài khoản ngân hàng với người khác hoặc không có tài khoản ngân hàng, khi buộc phải xác thực tài khoản, họ đành phải đóng ví.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VĐT MoMo - xác nhận, phần lớn trong số hàng chục triệu khách hàng dùng ví Momo đã hoàn thành việc xác thực định danh tài khoản, chỉ một số ít khách hàng chưa xác thực vì sợ lộ thông tin cá nhân.
“Người dùng không định danh VĐT của mình vô tình tạo điều kiện cho kẻ gian dễ dàng thâm nhập tài khoản bất hợp pháp. Các đơn vị VĐT cũng gặp khó khăn trong việc phát hiện sớm các giao dịch bất thường và khó can thiệp kịp thời khi tài khoản có người lạ tấn công” - ông Diệp nói.
Ông Diệp cũng bác bỏ khả năng rủi ro về bảo mật, vì nhà cung cấp áp dụng chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI DSS với xác thực hai lớp, xác thực bằng vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt, tự động khóa ứng dụng khi người dùng không thao tác trong vòng 5 phút...
Theo ông Diệp, các trường hợp lừa đảo xảy ra trên VĐT đều do khách hàng tự cung cấp cho kẻ gian mật khẩu truy cập, mã bảo mật OTP và các thông tin khác. Do đó, khách hàng không được cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân của mình cho người khác, nhất là mã OTP. Các đơn vị cung cấp dịch vụ VĐT và cả các tổ chức tín dụng khác không bao giờ bắt khách hàng phải cung cấp mã OTP.
Chưa xác thực, tài khoản trong VĐT vẫn được bảo toàn Đại diện VĐT MoMo và Moca khẳng định, những tài khoản chưa xác thực sau ngày 7/7 sẽ bị hạn chế sử dụng dịch vụ ví nhưng người dùng vẫn đăng nhập được ví, xem hóa đơn điện, nước, kiểm tra giao dịch. Toàn bộ tiền trong VĐT sẽ được giữ nguyên và người dùng có thể rút về ngân hàng liên kết bất cứ lúc nào. Sau khi xác thực, người dùng sẽ sử dụng ví lại bình thường. |
Theo Báo điện tử Phụ nữ TPHCM