|
Cán bộ điều tra đang thực hiện điều tra tại huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Ảnh: Huyền Thương |
Bài liên quan:
>> Báo cáo nhanh kết quả điều tra viễn thông, nghe nhìn
>> Cả nước ra quân điều tra viễn thông, nghe nhìn
Báo Bưu điện Việt Nam có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc điều tra về ý nghĩa, chất lượng và đặc biệt là phương án tài chính của cuộc điều tra.
Xin Thứ trưởng cho biết cuộc điều tra có ý nghĩa như thế nào? Số liệu thống kê sẽ được Bộ TT&TT sử dụng cho mục đích gì gì?
Lần đầu tiên sau hơn 60 năm thành lập và hoạt động của ngành bưu chính, viễn thông, Nhà nước sẽ có thông tin, số liệu đầy đủ để đánh giá toàn diện hiện trạng phát triển, phổ cập dịch vụ viễn thông, Internet và nghe-nhìn của Việt Nam trên phạm vi cả nước đến từng hộ gia đình. Số liệu này sẽ giúp Đảng và Nhà nước xây dựng định hướng, chính sách phát triển của ngành trong 5 năm tiếp theo.
Ngoài ra, số liệu điều tra sẽ được sử dụng trong quá trình xây dựng các chương trình, dự án khả thi về CNTT&TT phục vụ phát triển tất cả các ngành kinh tế của Việt Nam. Số liệu này cũng sẽ giúp xây dựng và vận hành hệ thống chính phủ điện tử, xây dựng các chương trình, dự án mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT trong những năm tới.
|
Ông Trần Đức Lai |
Theo Thứ trưởng, các địa phương có thể sử dụng nguồn số liệu này như thế nào?
Số liệu điều tra cũng sẽ giúp địa phương hoạch định chính sách phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực TT&TT, mà trước mắt là phục vụ cho Đại hội Đảng các cấp của tỉnh, thành phố và đưa vào kế hoạch 5 năm sắp tới. Đây là những số liệu rất cụ thể, giúp tỉnh nắm được tình trạng TT&TT phục vụ đến người dân như thế nào, từ đó có kế hoạch phát triển phù hợp hơn cho địa phương của mình.
Người dân sẽ được hưởng lợi ích cụ thể gì từ cuộc điều tra?
Mục tiêu đầu tiên của cuộc điều tra là giúp nhà nước nắm được số liệu đến tận hộ gia đình, xem thực tế người dân được hưởng thụ các dịch vụ điện thoại, Internet và nghe nhìn như thế nào. Từ đó sẽ có chính sách cung cấp đầy đủ dịch vụ cho các hộ gia đình, từng loại hình dịch vụ sẽ có kế hoạch hỗ trợ khác nhau. Chẳng hạn chương trình viễn thông công ích sẽ cung cấp điện thoại và Internet.
Thực tế nội dung này đang được Bộ TT&TT triển khai và sẽ làm tiếp trong giai đoạn tới. Còn với phát thanh truyền hình, đây là vấn đề mới, cuộc điều tra sẽ giúp Bộ nắm được tình trạng người dân sử dụng truyền hình analog, truyền hình số như thế nào, từ đó có kế hoạch, chính sách hỗ trợ người dân khi chuyển từ truyền hình analog sang truyền hình số.
Thưa Thứ trưởng, hiện các địa phương đều đã tập huấn và triển khai điều tra, nhưng kinh phí điều tra vẫn chưa có, liệu điều đó có ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng cuộc điều tra không?
Đúng là bây giờ chưa có Quyết định chính thức của Thủ tướng phê duyệt tổng kinh phí cho cuộc điều tra này, nhưng chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài chính để xây dựng phương án tài chính chi tiết và hiện đang trình Thủ tướng. Để hỗ trợ các tỉnh, Bộ TT&TT và Bộ Tài chính đã thống nhất tạm ứng kinh phí. Kinh phí đợt 1 đã tạm ứng, phục vụ việc tập huấn và in ấn tài liệu.
Chúng tôi đang làm thủ tục để trong ít ngày nữa sẽ có tạm ứng kinh phí đợt 2, hỗ trợ cán bộ đi điều tra tận hộ gia đình. Đây là khoản kinh phí tương đối lớn. Ngoài ra, trong khi chờ quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt tổng kinh phí cho cuộc điều tra, Bộ đã có hướng dẫn sơ bộ với các tỉnh để lập dự trù kinh phí cho cuộc điều tra. Trong đó có lưu ý với một số tỉnh đặc thù. Chúng tôi đã hướng dẫn những tỉnh có đặc thù miền núi cao, trung du, đồng bằng với mức hỗ trợ khác nhau.
Ví dụ mức hỗ trợ đồng bằng là 1 thì trung du là 1,2 hoặc miền núi cao là 1,5. Trên cơ sở phương án Bộ TT&TT, Bộ Tài chính đã nghiên cứu kỹ và có xét đến các đặc thù, chắc chắn Thủ tướng sẽ phê duyệt phương án này. Còn cuộc điều tra có đảm bảo chất lượng hay không, kinh phí là một phần nhưng quan trọng là chỉ đạo của các tỉnh có quyết liệt hay không. Hiện nay, Ban chỉ đạo của Bộ đang tiếp tục làm việc và phân công từng đồng chí trong Ban chỉ đạo của Bộ liên hệ với Ban chỉ đạo các tỉnh để vừa tháo gỡ khó khăn vừa nhắc nhở nâng cao chất lượng của cuộc điều tra.
Theo Thứ trưởng, liệu có tình trạng các điều tra viên, trưởng thôn ngồi ở nhà tự điều tra “kiểu bốc thuốc”, áng chừng số liệu không?
Khi thảo luận phương án điều tra, chúng tôi đã rút kinh nghiệm từ các cuộc điều tra trước đây có hiện tượng người đi điều tra không đến tận nơi mà tự “bốc thuốc”. Chúng tôi đã xây dựng phương án hướng dẫn và tập huấn rất chi tiết, yêu cầu phải có giám sát, đồng thời trong phương án có kiểm tra chéo, phúc tra số liệu.
Tôi hy vọng với phương án tương đối chi tiết và chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo các tỉnh sẽ ngăn chặn tối đa hiện tượng này. Ban chỉ đạo của Bộ đã cố gắng thiết kế phương án điều tra, biểu mẫu phù hợp với từng đối tượng, vừa đảm bảo thu thập được số liệu nhưng vừa đảm bảo sự đơn giản để những người ở cấp xã và thôn có thể hiểu và làm được.
Theo Thứ trưởng, cuộc điều tra này có nên thực hiện theo định kỳ?
Đây là cuộc điều tra toàn quốc đầu tiên trong lĩnh vực TT&TT. Sau cuộc điều tra này chúng tôi sẽ xem xét để tổng kết và rút kinh nghiệm. Hiện nay chưa có quyết định bao nhiêu lâu sẽ điều tra một lần, điều tra tổng thể hay điều tra từng loại hình dịch vụ. Sau khi rút kinh nghiệm chúng tôi sẽ có kế hoạch. Nhưng loại hình điều tra này nên thực hiện khoảng 5 hoặc 10 năm/lần để có đánh giá tổng thể chứ không cần thiết phải thực hiện 3 năm hay hàng năm.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 72 ra ngày 16/6/2010.