Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Dự thảo đưa ra những quy định siết chặt tình trạng sở hữu chéo bằng cách giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa 5% xuống 3% đối với cổ đông cá nhân, từ 15% xuống 10% đối với cổ đông tổ chức.
Dự thảo cũng quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng.
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân là thành viên HĐQT (HĐTV), thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên HĐQT (HĐTV), thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương...
Trao đổi với PV. VietNamNet, chuyên gia kinh tế - TS. Huỳnh Thế Du nhìn nhận, việc NHNN muốn siết chặt quy định về sở hữu chéo trong các TCTD không nằm ngoài mục tiêu ngăn chặn rủi ro cho hệ thống các TCTD.
“Sở hữu chéo là một trong những vấn đề lớn của hệ thống tài chính Việt Nam. Thực ra điều này xảy ra với rất nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ với Việt Nam. Do đó, một trong những công cụ quan trọng là yêu cầu các TCTD đảm bảo điều kiện về an toàn vốn, công khai minh bạch, quản trị rủi ro,... Một khi đã công khai minh bạch, việc sở hữu chéo bên trong ngân hàng cũng sẽ giảm”, TS. Huỳnh Thế Du phân tích.
Trên thực tế, Luật các tổ chức tín dụng từ trước đến nay đã có quy định về việc này. Theo quy định tại khoản 1 Điều 127 của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) 2017, TCTD phải báo cáo công khai với ĐHĐCĐ về việc cho vay các đối tượng hạn chế cấp tín dụng.
Điều 39 cũng yêu cầu, TCTD phải báo cáo công khai với ĐHĐCĐ về các lợi ích liên quan của thành viên HĐQT, ban kiểm soát, ban tổng giám đốc.
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc siết lại sở hữu chéo là điều vô cùng quan trọng, vì đây là nguyên nhân tạo ra những cuộc khủng hoảng trong ngân hàng. Vụ việc xảy ra trước đây tại 3 ngân hàng OceanBank, GPBank và CB (Ngân hàng Xây dựng) dẫn đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải mua bắt buộc với giá 0 đồng cũng có nguyên nhân một phần là do sở hữu chéo.
Ngay cả với các ngân hàng khác, tình trạng sở hữu chéo cũng tồn tại từ rất lâu. Ngân hàng Nhà nước đã tìm cách giải quyết triệt để hoặc giảm thiểu sở hữu chéo nhưng tình trạng này vẫn tồn tại dẫn đến những sai phạm.
“Sở hữu chéo là vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự tồn tại của ngân hàng. Sở hữu chéo tạo ra một nhóm quyền lực có thể thao túng ngân hàng. Thông qua sở hữu chéo, những thành viên trong HĐQT ngân hàng có thể có những chấp thuận đối với các gói tín dụng vượt khỏi mọi quy định. Để hợp thức hoá các khoản tín dụng này, họ sẽ phải lách quy định bằng cách này hay cách khác.
Vì sở hữu chéo mà họ có thể lách quy định một gói tín dụng cho một khách hàng không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của một tổ chức tin dụng, không vượt quá 25% đối với một khách hàng và người liên quan. Nếu những bên liên quan có sự sở hữu chồng chéo với nhau thì họ có thể dễ dàng lách luật để không vi phạm quy định tại Luật Các TCTD”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy sở hữu chéo là nguyên nhân của rất nhiều vấn đề trong ngành ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng này luôn là một thách thức lớn.
TS. Huỳnh Thế Du cho rằng vấn đề là làm sao để truy xuất nguồn gốc tài sản, việc minh bạch thông tin làm sao để bất kỳ ai cũng có thể tìm hiểu được "cổ phần của ông A có dính dáng tới doanh nghiệp B, doanh nghiệp C, hoặc thậm chí doanh nghiệp X, Y, Z hay không".