Theo một tiểu thương chợ Bến Thành (Quận 1, TP.HCM), cả chợ có trên dưới 1.400 sạp. Do ảnh hưởng bởi Covid-19, khoảng một nửa số sạp đã tạm thời ngừng kinh doanh. Cận Tết, một số tiểu thưởng mở cửa trở lại để đón lớp khách mua sắm cuối năm. Bên cạnh nguồn khách tại chỗ và khách sỉ, khoảng 20 tiểu thương tại đây đã đưa hàng hoá lên ứng dụng để mở rộng thị trường.

{keywords}
Nhiều sạp trong chợ Bến Thành đóng cửa ngày cận Tết. (Ảnh: Hải Đăng)

Chợ Bến Thành có lịch sử hơn một trăm năm, được xem là ngôi chợ lâu đời nhất tại TP.HCM. Ngôi chợ không chỉ là nơi mua sắm đối với người dân khu vực trung tâm mà còn là điểm đến của khách du lịch, khách nước ngoài, Việt kiều về thăm quê. 

“Bán hàng cho người dân khu vực trung tâm vốn có thu nhập cao. Rồi bán cho Việt kiều và khách nước ngoài nữa nên hàng hoá chợ này toàn loại tốt nhất. Có những thứ cả Sài Gòn không có, chỉ chợ này mới có”, chị Oanh, người bán hàng gần 30 năm ở chợ Bến Thành kể với ICTnews. 

Chị và một số chị em trong gia đình có vài sạp ở chợ. Riêng chị bán hải sản. Những loại cua hai da, cua lột 600-700 ngàn đồng/ký của chị không dễ tìm thấy ở các chợ khác.

Với nguồn hàng dồi dào và chọn lựa cẩn thận, ngoài lượng khách tại chợ, chị Oanh còn bán sỉ và bỏ mối cho nhà hàng. Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khách giảm hẳn. Dịch bệnh khiến cả thế giới đóng cửa biên giới, nguồn khách nước ngoài, Việt kiều mất hút, ngôi chợ mất nguồn khách chính yếu nhất.

Chỉ còn chưa tới một tháng nữa đến Tết nhưng chợ khá đìu hiu. Đi hướng nào cũng thấy sạp đóng cửa. Vào giờ thấp điểm, nhất là bên trong nhà lồng, người mua dường như ít hơn người bán. Trong khi trước đây, chợ này từng là nơi mua sắm và tham quan sầm uất bậc nhất.

Chị Trân, chủ một sạp bán các loại mứt, cho biết suốt gần 30 năm kinh doanh, thời điểm này khó khăn nhất với chị. Do mất nguồn khách nước ngoài, Việt kiều và khách tham quan, cả chợ vắng hiu hắt.

“Năm nay khách truyền thống ít hơn mọi năm. Chủ yếu là khách vãng lai và khách sỉ thôi”, chị Trân nói.

Chị Chẵn, chủ sạp Bà Ba Bánh Tét, nói cả chợ có khoảng 1.400 sạp, trong đó có khoảng 600-700 sạp đóng cửa. Nhiều sạp bạn bè chị ngưng bán từ mấy tháng nay. 

“Dạo này khách thưa thớt nhưng cũng cố gắng ra bán lai rai, còn kiếm tiền đóng thuế này kia. Cứ đà này sau Tết khách vẫn vắng quá có khi phải tạm đóng cửa”, người có thâm niên hơn 30 năm bán bánh tét và hàng khô ở chợ Bến Thành nói.

Để mở rộng thêm khách hàng, gần đây chị Chẵn và một số tiểu thương khác có kênh bán hàng trên ứng dụng.

“Mới tham gia được hơn một tháng nên hàng hoá đưa lên app chỉ khoảng hơn chục món, khách chưa đáng kể. Chị đang đưa thêm nhiều món lên để cho khách chọn, hy vọng có thêm đơn hàng”, chị Chẵn cho biết.

Sạp của chị Chẵn mỗi ngày nhận 1-2 đơn hàng từ ứng dụng, ngày nhiều có 4-5 đơn. Số đơn hàng chưa đủ nhiều nhưng chị cho biết vẫn muốn thử một mô hình bán hàng mới mẻ và sẽ đưa thêm nhiều hàng lên app để khách tha hồ lựa chọn.

Chị Trân chủ hàng mứt thì ngược lại, đã đưa lên app gần như toàn bộ. Quầy hàng của chị có hàng trăm loại mứt, trái cây sấy, các loại hạt, thịt khô,... được tuyển lựa cẩn thận, vốn thường dành cho khách cao cấp, khách Việt kiều, người nước ngoài, khách mua làm quà biếu,... 

Tuy vậy, cho đến hiện tại các tiểu thương vẫn đang trong giai đoạn mới tham gia ứng dụng được khoảng hơn một tháng nên đơn hàng lai rai, chưa nhiều.

{keywords}
Chị Trân đang soạn hàng giao cho khách đặt qua ứng dụng. (Ảnh: Hải Đăng)

Tại quầy hải sải của chị Oanh, chị vừa trò chuyện với phóng viên, vừa thi thoảng nhận được cuộc gọi từ nhà hàng, từ khách sỉ và lâu lâu có đơn hàng từ ứng dụng.

“Chị chủ yếu nhận được các đơn giá trị thấp từ ứng dụng. Có lẽ bản thân khách hàng cũng đang muốn thử xem mua sắm hàng hoá từ chợ truyền thống thông qua app sẽ như thế nào”, chủ sạp hải sản nói. Ngoài các đơn mua nghêu, ốc, chị thi thoảng nhận các đơn tôm cua giá trị cao hơn. Có ngày cao điểm chị nhận được 11 đơn, ngày thường 4-5 đơn.

Có khoảng 20 sạp đủ loại mặt hàng rau củ quả, thịt, đồ khô, trái cây, hoa,... ở chợ Bến Thành đã được đưa lên ứng dụng. Ứng dụng gọi xe bố trí một nhân viên tại đây để nhận đơn. Người này sẽ đi lấy hàng hoá từ các sạp, mang đến cho shipper đậu xe bên ngoài, rồi mang giao cho khách.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết việc đưa các chợ truyền thống lên ứng dụng của công ty nhằm mục tiêu giúp tiểu thương tiếp cận được tập khách hàng mới, giúp người dùng có thêm kênh mua sắm. Bà kỳ vọng việc đưa chợ truyền thống lên ứng dụng sẽ thành công như từng số hoá ngành xe ôm.

Việc đưa tiểu thương chợ truyền thống lên ứng dụng gặp một số khó khăn như khả năng tiếp cận công nghệ (do tiểu thương đa số lớn tuổi, không giỏi thao tác trên điện thoại), mọi sạp phải cung cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm cho hàng hóa mình bán, việc đổi trả hàng hoá hư hỏng,...

Ngoài chợ Bến Thành, ở TP.HCM hiện có chợ Hòa Hưng, chợ Bà Chiểu, chợ Tân Mỹ, chợ Tân Bình lên ứng dụng. Ở Hà Nội có chợ Thành Công, chợ Ngọc Khánh, chợ Hữu Tiệp, chợ Linh Lang, chợ Cống Vị, chợ Bưởi. Đà Nẵng có chợ Hàn, chợ Cồn. Mục tiêu của nhà cung cấp ứng dụng là đưa ít nhất 20 sạp của mỗi chợ lên app.

Theo nghiên cứu, quy mô chợ truyền thống và tạp hoá tại Việt Nam đang ở khoảng 10 tỷ USD. Khá nhiều doanh nghiệp đang tận dụng khai thác thị trường này, bằng cách mở cửa hàng hiện đại để kiếm thị phần, hoặc số hoá các tiệm tạp hoá, chợ truyền thống để mở rộng kênh phân phối cho các tiểu thương, chủ tiệm.

Hải Đăng

Số hoá chợ truyền thống: Miếng bánh 10 tỷ USD

Số hoá chợ truyền thống: Miếng bánh 10 tỷ USD

Các chợ truyền thống và cửa hàng bách hoá đang chiếm thị phần lớn nhất trong bán lẻ tiêu dùng hiện nay, khiến nhiều mô hình kinh doanh mới đang nhảy vào.