Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau chiếm tỷ trọng 31,9 % trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Thuỷ sản tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo kế hoạch năm 2025, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP 5%, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 660.000 tấn, trong đó sản lượng tôm 262.000 tấn; tổng sản lượng lúa 550.000 tấn, năng suất lúa bình quân đạt 4,59 tấn/ha; đàn heo xuất chuồng đạt 240.000 con; đàn gia cầm xuất chuồng 6.000.000 con. Tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 27%. 

W-nongsan.png
Ảnh minh hoạ

Nhằm giúp người dân nhận thức rõ việc số hóa sẽ mang đến những thay đổi lớn lao, từ khâu sản xuất, chế biến, đến phân phối và tiêu thụ nông sản, tại Hội nghị thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Cà Mau năm 2024, các đơn vị tư vấn đã giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, trong công tác quản lý, điều hành cũng như các ứng dụng hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân.

Trong đó, có giải pháp công nghệ viễn thám GIS trong việc xây dựng, giám sát, quản lý vùng nuôi, trồng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý chuỗi liên kết ngành hàng nông, lâm, thủy sản; giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa ngành nông nghiệp; công nghệ 3D, AI và thực tế ảo vào quảng bá, xúc tiến đầu tư ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Được biết, thời gian qua, các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung từng bước được tỉnh triển khai như: Trang thông tin điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, sử dụng hộp thư điện tử… nhiều phần mềm chuyên ngành được các phòng, các đơn vị đưa vào sử dụng đã nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, phần mềm GIS quản lý rừng, hệ thống quản lý và giám sát hành trình tàu cá S-Tracking, phần mềm nông nghiệp Cà Mau, hệ thống một cửa và dịch vụ công trực tuyến… đã bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Về phát triển chuyển đổi số, ngành đã triển khai áp dụng các ứng dụng như: ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp: phần mềm GIS (Viettel), phần mềm Vfarm (VNPT), phần mềm AQUAM; đảm bảo an toàn, an ninh mạng: trang bị tường lửa bảo vệ mạng LAN, trang bị phần mềm diệt Virus..; phát triển phần mềm GIS quản lý rừng; phần mềm, hệ thống quản lý và giám sát hành trình tàu cá S-Tracking; phần mềm quản lý tàu cá (Đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, ATTP,…); phần mềm Hệ thống một cửa và dịch vụ công trực tuyến…

Sở còn phối hợp với Cục Thủy sản tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử theo hướng dẫn tại đường link: https://tongcucthuysan.gov.vn/....

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, ngành nông nghiệp Cà Mau còn một số khó khăn nhất định như: Nội dung của kênh truyền thông số chưa đa dạng, phong phú, một số hoạt động chưa đảm bảo tính thực chất, lượng truy cập chưa nhiều; số người dân tham gia thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế; đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số thiếu về số lượng và còn hạn chế kiến thức, kỹ năng tham mưu triển khai chuyển đổi số, chưa có vị trí chuyên trách về an toàn thông tin mạng; cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) còn hạn chế…