Doanh nghiệp gặp khó trong kiểm kê khí nhà kính
Để đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 theo cam kết của Chính Phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Danh mục bao gồm các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính thuộc các ngành công thương, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên;
Các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà thương mại, công ty kinh doanh vận tải hàng hoá tiêu thụ hằng năm 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; các cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm trên 65.000 tấn. Ngoài ra, đề xuất bổ sung ngành chăn nuôi vào danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.
Ở nước ta có khoảng 3.000 doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ thực hiện kiểm kê định kỳ 2 năm một lần; thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hàng năm và có trách nhiệm lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà trước ngày 31 tháng 12 mỗi kỳ.
Chia sẻ về vấn đề kiểm kê khí nhà kính, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng, giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn là chủ trương đúng của Nhà nước nhằm hiện thực hóa các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Song, với lĩnh vực chăn nuôi việc kiểm kê khí nhà kính lại là vấn đề nan giải. Bởi, chỉ tính riêng kinh phí chi cho hoạt động kiểm kê, hàng năm mỗi cơ sở chăn nuôi đã mất từ 100-150 triệu đồng.
Hiện nay, trừ các trang trại chăn nuôi bò sữa, trại giống lợn của các công ty, tập đoàn trực tiếp quản lý có đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật tốt có thể thực hiện được kỹ thuật kiểm kê và áp dụng nghiêm túc các quy trình giảm phát thải nhà kính; còn phần lớn các trại chăn nuôi trong sản xuất của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Kinh nghiệm của Tập đoàn TH đã làm trong 4 năm qua, thì 2 năm đầu việc triển khai hoạt động kiểm kê khí nhà kính của các trại rất khó khăn, mặc dù đã có sự đầu tư lớn và hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia nước ngoài, ông Dương dẫn chứng.
Ông Ngô Hoàng Hồ, Giám đốc khối tổng vụ - kinh doanh Công ty TNHH Việt Nam NOK, cũng thừa nhận, vấn đề kiểm kê khí nhà kính rất phức tạp, các doanh nghiệp còn mù mờ, chưa biết làm thế nào. Ngay với bản thân ông cũng phải tham gia một khoá học về kiểm kê khí nhà kính để có thể làm được các báo cáo chính xác, đưa ra lộ trình giảm phát thải cho công ty.
Theo ông Hồ, kiểm kê khí nhà kính với các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải đi thuê các đơn vị khác làm, tốn kém một khoản tiền rất lớn. Thế nên, cần có bộ công cụ đơn giản để doanh nghiệp tự làm kiểm kê và báo cáo. Như vậy vừa nhanh, vừa chính xác lại tiết kiệm được chi phí.
Số hoá giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng
Tại hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”, ông Vũ Minh Quang - Giám đốc tư vấn chuyển đổi số Doanh nghiệp FPT IS (Tập đoàn FPT), cho biết, thực hiện kiểm kê khí nhà kính doanh nghiệp sẽ giảm được phát thải, tiến tới giảm chi phí. Bởi phát thải gắn liền với tiêu thụ năng lượng, chi tiêu trong chuỗi cung ứng. Giảm phát thải cũng là cách doanh nghiệp tối ưu chi phí sản xuất của mình.
Ngoài ra, làn sóng chuyển dịch sang “Nhà cung cấp thực phẩm xanh” trên phạm vi toàn cầu mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp. Khi giảm phát thải doanh nghiệp cũng giảm rủi ro vì Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) bắt đầu đánh thuế carbon từ 2026, các chuỗi siêu thị lớn đang “xanh hóa” là những rủi ro lớn.
Thực tế, EU đã bắt đầu áp dụng CBAM nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và áp dụng mức thuế carbon đối với các mặt hàng nhập khẩu vào EU gồm: sắt thép, nhôm, xi măng, điện, hydro, phân bón. Mỹ cũng có kế hoạch áp dụng cơ chế CBAM đối với 8 mặt hàng có liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Quang nhận định, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức trong kiểm kê khí nhà kính. Cụ thể, mất thời gian thu thập dữ liệu và tốn kém chi phí; hệ số phát thải rất phức tạp; nhiều quy định báo cáo khác nhau khi mỗi quốc gia, tổ chức có yêu cầu báo cáo riêng…
“Nếu làm theo cách truyền thống, doanh nghiệp sẽ phải chi hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho việc kiểm kê khí nhà kính mỗi năm, thời gian kéo dài từ 3-6 tháng”, ông nói. Song, khi áp dụng chuyển đổi số trong kiểm kê, các quá trình được tự động sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và rút ngắn được thời gian thực hiện.
Ông Quang cho biết, FPT đã xây dựng nền tảng số hoá quá trình kiểm kê khí nhà kính – VertZéro. Nền tảng này sẽ số hóa công tác kiểm kê khí nhà kính, từ thu thập số liệu, lựa chọn bộ số liệu phát thải, đến tính toán và đưa ra báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo đúng tiêu chuẩn của nhà nước và quan trọng hơn đó là theo đúng tiêu chuẩn của thị trường đầu ra.
Giải pháp giúp số hóa toàn diện quy trình thu thập dữ liệu môi trường, tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải, đáp ứng các khung tiêu chuẩn toàn cầu về báo cáo phát thải, loại bỏ khí nhà kính. FPT IS đang tích cực hợp tác, kết nối cùng đối tác chuyển đổi xanh hàng đầu. Qua đó, chia sẻ kinh nghiệm triển khai và mở rộng dự án án xanh giữa Việt Nam và quốc tế, ông cho hay.
“Với công cụ này, FPT đặt mục tiêu giúp thời gian kiểm kê của doanh nghiệp xuống còn 7 ngày, chi phí giảm chỉ còn khoảng 10% so với cách làm thủ công hiện nay”, đại diện FPT nhấn mạnh.
Ông Quang kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm ban hành quy định, hướng dẫn về kiểm kê và giảm nhẹ phát thải; có lộ trình khả thi, chia làm nhiều bước, đồng bộ các quy định của Việt Nam với thế giới. Đồng thời mong có sự đồng hành để doanh nghiệp công nghệ đưa ra các giải pháp chuyển đổi số tiện dụng nhất, chi phí thấp nhất áp dụng vào kiểm kê và quản trị phát thải tại doanh nghiệp Việt Nam.