Xây dựng kho dữ liệu vùng trồng
Khi bàn về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, các doanh nghiệp tính toán sẽ đem lại khoảng 9 triệu tấn gạo chất lượng cao xuất khẩu trong một năm. Nguồn gạo chất lượng cao này sẽ góp phần nâng cao năng lực canh tranh của nước ta trên thị trường quốc tế.
Không chỉ có gạo chất lượng cao, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, với diện tích 1 triệu ha theo đề án sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm. Nếu áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỷ đồng/năm.
Như vậy, ngành lúa có thêm 16.000 tỷ đồng/năm, tương đương 500 triệu USD. Đó là chưa kể các yếu tố tăng thêm về giá trị trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải.
Ngân hàng Thế giới cũng ước tính, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu ha ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon, thu về khoảng 100 triệu USD/năm.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, Đề án 1 triệu ha lúa không phải đơn thuần là khoanh vùng trồng lúa chất lượng cao. Đây chính là điểm khởi đầu cho cuộc cách mạng mới trong sản xuất để chứng minh cách Việt Nam tạo ra hạt gạo là minh bạch, trách nhiệm.
Thế nên, ngay khi Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" được phê duyệt, Văn phòng điều phối Nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cùng các sở ngành bắt tay số hoá bộ dữ liệu vùng trồng.
Đề án được triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL, gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long với diện tích 1 triệu ha.
Theo đó, thông tin của các HTX tham gia sản xuất, diện tích, lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa, mật độ gieo sạ, phương thức xử lý rơm rạ, lượng phân bón sử dụng, quy trình canh tác bền vững đang áp dụng và hình thức liên kết thu mua sản phẩm… đều được thu thập để tạo thành kho dữ liệu vùng trồng lúa 1 triệu ha.
Đáng chú ý, toạ độ của từng thửa ruộng, vùng trồng cũng sẽ được cập nhật chính xác trên bản đồ số nhằm đảm bảo yêu cầu của các tổ chức quốc tế khi chi trả tín chỉ carbon và tạo thuận lợi trong quá trình theo dõi, quản lý vùng nguyên liệu.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ Trần Thái Nghiên, khi triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, vùng nguyên liệu và các giải pháp kỹ thuật cần được tính toán chặt chẽ và thể hiện minh bạch. Do đó, xây dựng những cơ sở dữ liệu là cần thiết.
Khi cơ sở dữ liệu được số hóa thì các cơ quan chức năng dễ dàng tra cứu, xem thông tin về hiện trạng sản xuất để thực hiện tốt việc quản lý, cũng như tối ưu hệ thống sản xuất ứng phó biến đổi khí hậu, tăng hiệu quả, giảm phát thải.
Ðây cũng là các thông tin và dữ liệu cần thiết để xây dựng hệ thống khuyến nông điện tử, với khả năng tích hợp tốt các dữ liệu và từ dữ liệu kịp thời đề xuất các giải pháp giúp nông dân tại từng địa phương thực hiện tốt việc sản xuất.
Bước đầu, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được xây dựng ở vùng chuyên canh trên nền tảng 180.000ha thuộc Dự án VnSAT. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chỉ đạo Cục Trồng trọt, Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL phối hợp với Ban quản lý các dự án nông nghiệp xây dựng bản đồ lúa gạo và thông tin đính kèm đối với phần diện tích này.
Dữ liệu là nền tảng để cân đối cung - cầu thị trường
Vùng ÐBSCL là vựa lúa gạo quan trọng của cả nước - nơi đang cung cấp 90% lượng gạo phục vụ xuất khẩu. Sản xuất lúa gạo tại vùng trong thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu to lớn, giúp đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và góp phần cung cấp một lượng lớn gạo phục vụ xuất khẩu tạo nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia.
Tuy nhiên, thu nhập của đa phần nông dân còn thấp và sản xuất lúa gạo trong vùng cũng đang ngày càng đối mặt với nhiều điều kiện sản xuất bất lợi do biến đổi khí hậu, giá vật tư đầu vào tăng và người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm.
Do vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho sản xuất lúa của vùng là rất cần thiết nhằm cập nhật, cung cấp các thông tin cần thiết cho nông dân và các cơ quan quản lý để có những chỉ đạo, điều hành và điều chỉnh phù hợp trong sản xuất đáp ứng yêu cầu phát triển.
Hiện, yêu cầu thị trường ngày càng cao, quy định các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, chất lượng gạo được nâng cao phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường, sản xuất giảm phát thải, nâng cao thu nhập của người nông dân. Thế nên, cơ sở dữ liệu là tiền đề để minh bạch thông tin.
Điều quan trọng là số hoá cơ sở dữ liệu nhằm kết nối giữa sản xuất và thị trường. Theo đó, cần phải có số liệu cụ thể về diện tích, năng suất, sản lượng, thời điểm thu hoạch. Dựa trên những dữ liệu này để tính nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến, tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Số hoá kho dữ liệu còn hỗ trợ trong việc phân tích và dự báo thị trường. Cung – cầu được kết nối, chuỗi liên kết trong ngành hàng cũng sẽ bền vững hơn khi lợi ích các bên được hài hoà.