Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 16/4 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 2.077.750 ca dương tính với virus corona chủng mới, với 134.373 ca tử vong. Khoảng 1/4 số bệnh nhân Covid-19 (509.741 người) đã hồi phục sau điều trị.

{keywords}
Các nhân viên y tế đang di chuyển thi thể một bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm y tế Do Thái Kingsbrook ở New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

Mỹ ghi nhận kỷ lục mới về số ca tử vong

Mỹ vẫn là tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu. Chỉ trong 24 giờ qua, nước này có thêm 29.533 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 643.000 người. Đáng nói, Mỹ ghi nhận 2.457 người thiệt mạng hôm 15/4, mức tăng cao nhất trong một ngày từ trước tới nay, khiến tổng số ca tử vong vọt lên 28.504 người.

Phát biểu tại một cuộc họp báo vừa diễn ra, Tổng thống Donald Trump cho biết, mặc dù "cuộc chiến chống kẻ thù vô hình" vẫn chưa kết thúc nhưng các dữ liệu mới nhất cho thấy, Mỹ "đã qua đỉnh dịch" khi nhà chức trách tăng cường xét nghiệm kiểm dịch khắp toàn quốc. Reuters dẫn lời ông Trump nhấn mạnh, các diễn tiến tích cực khiến Chính phủ đã sẵn sàng "hoàn tất các chỉ dẫn tái mở nền kinh tế dành cho các bang".

Dù xác nhận số ca nhiễm mới Covid-19 trong nước có chiều hướng giảm xuống kể từ 2/4, nhưng Trung tâm Kiểm soát và phòng chống bệnh dịch Mỹ (CDC) khuyến cáo các dữ liệu có thể không đầy đủ. CDC cũng thống kê, hơn 9.200 nhân viên y tế nước này đã nhiễm virus corona chủng mới, với 90% trong số họ không nhập viện điều trị và 27 trường hợp đã tử vong.

New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19 tại Mỹ, với số ca tử vong vượt mốc 10.000 người, chiếm hơn 1/3 tổng số trường hợp thiệt mạng toàn quốc.

Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết sẽ cho khôi phục dần dần các hoạt động kinh tế của bang trong lúc vẫn bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe cộng đồng. Ông Cuomo cũng ban hành sắc lệnh mới bắt buộc người dân New York phải đeo khẩu trang hoặc dùng khăn che mũi và miệng khi không thể duy trì khoảng cách an toàn chống Covid-19 ở nơi công cộng.

70.000 y tá Tây Ban Nha khả năng đã nhiễm Covid-19

CNN trích dẫn một nghiên cứu mới của trường Cao đẳng Y tá Tây Ban Nha cho biết, gần 1/3 số y tá tại nước này, tương đương tới 70.000 người, có thể đã nhiễm mầm bệnh nguy hiểm. Gàn 30% số y tá tham gia khảo sát nói họ đã có triệu chứng bệnh.

Chính phủ Tây Ban Nha hiện xác nhận, 27.758 nhân viên y tế nước này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới, chiếm khoảng 15% tổng số ca nhiễm toàn quốc. Nhiều nhân viên y tế, kể cả bác sĩ tại nước này đã hy sinh trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng nhà chức trách không tiết lộ con số chính xác.

Tính đến sáng 16/4, Tây Ban Nha vẫn là "ổ dịch" Covid-19 lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ, với gần 178.000 ca nhiễm và hơn 18.708 người trong số đã tử vong.

Số người chết vì Covid-19 ở Pháp tăng vọt

Pháp có thêm tới 1.438 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp tử vong trên toàn quốc lên 17.167 người. Quốc gia châu Âu này vẫn là một "điểm nóng" với gần 148.000 ca dương tính.

Theo BBC, ít nhất 668 thủy thủ trên tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp và một tàu khu trục hộ tống tham gia cuộc tập trận của NATO ở Đại Tây Dương đã nhiễm virus. 31 người trong số đó đang phải nằm viện điều trị. Nhà chức trách đã tiến hành khử trùng cả hai tàu và ra lệnh cho tàu sân bay trở về căn cứ ở Toulon.

Đức nới lỏng các biện pháp phong tỏa

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 16/4 đã công bố kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong tỏa toàn quốc. Song, các biện pháp giãn cách xã hội sẽ vẫn được duy trì đến ngày 3/5. Bà Merkel yêu cầu mọi người dân đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và tại các cửa hàng.

Từ tuần tới, Đức sẽ cho phép các cửa hàng có diện tích dưới 800m2 mở cửa trở lại. Học sinh sẽ trở lại lớp học từ ngày 4/5. Tính đến sáng 16/4, Đức có 134.754 người mắc Covid-19, với 3.804 ca tử vong.

Các tin nóng khác về đại dịch Covid-19:

- Chính phủ Phần Lan thông báo từ ngày 16/4 sẽ dỡ bỏ phong tỏa Uusimaa, khu vực xung quanh thủ đô Helsinki là tâm chấn của dịch Covid-19 tại nước này. Đây là bước đầu nhằm giảm bớt các biện pháp hạn chế trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dần và tốc độ lây lan của mầm bệnh ở Uusimaa cũng chững lại trong vài tuần trở lại đây.

- Tỷ phú Bill Gates lên tiếng phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định ngưng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), coi đây là hành động "nguy hiểm khi quốc tế đang cần WHO hơn bao giờ hết". Quỹ Bill & Melinda Gates hiện đã cam kết ủng hộ 100 triệu USD cho công tác dập dịch.

- Hơn 100 quốc gia đã đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cứu trợ khẩn cấp vì tổn thất nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF, tổ chức này mới phê duyệt hỗ trợ tài chính cho 10 nước và dự kiến sẽ có động thái trợ giúp tương tự cho gần 50 quốc gia khác vào cuối tháng 4.

- Hội nghị trực tuyến các bộ trưởng tài chính G20 ra tuyên bố chung cho biết đồng thuận giãn nợ cho những nước nghèo nhất đang bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19 trong năm nay. 

- Liên Hợp Quốc cảnh báo, 74 triệu người ở khu vực Ảrập đối mặt với nguy cơ bị nhiễm virus corona chủng mới lớn hơn do thiếu nước, xà phòng và các đồ tiện ích vệ sinh khác tại nơi cư trú.

- Colombia dự kiến sẽ phóng thích 7.000 tù nhân để giảm thiểu nguy cơ lây lan Covid-19 trong các nhà tù. Quốc gia Nam Mỹ này hiện ghi nhận 2.979 ca mắc Covid-19, với 127 trường hợp đã tử vong.

Tuấn Anh