Tại Hà Nội, 3 tuần gần đây số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm nhiệt, trung bình mỗi tuần ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc mới. Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 7/12, Hà Nội có gần 35.600 ca mắc với 4 ca tử vong; số mắc tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, gấp gần 10 lần năm 2021.

Theo các bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, năm 2023 cũng là một trong 3 năm (cùng với năm 2009, 2017) ghi nhận số ca sốt xuất huyết tăng cao nhất tính từ năm 2009 đến nay.

Giảm tiểu cầu là một trong những biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Trong vụ dịch năm nay, không ít bệnh nhân sốt xuất huyết có tiểu cầu giảm nghiêm trọng về 1-3 G/L, thậm chí có bệnh nhân có tiểu cầu về mức gần 0 - 1.

Tiểu cầu là các tế bào máu nhỏ được sản xuất từ tủy xương, có chức năng tham gia quá trình đông cầm máu. Số lượng tiểu cầu trung bình trong máu của một người khỏe mạnh là từ 150-450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50; mức nghiêm trọng là 10-20.

Số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ gây tình trạng xuất huyết, máu khó đông, khả năng chống nhiễm trùng của người bệnh cũng giảm. 

Theo quy định của Bộ Y tế, người bệnh sốt xuất huyết nặng cần truyền tiểu cầu khi chỉ số này dưới 50 G/L và xuất huyết nặng hoặc có chỉ định chọc màng phổi, màng bụng. Bệnh nhân có tiểu cầu dưới 50 G/L nhưng chưa xuất huyết, cần xem xét trường hợp cụ thể. 

Số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhanh đồng nghĩa với số bệnh nhân nặng tăng và nhu cầu truyền tiểu cầu điều trị bệnh tăng cao, đặc biệt ở Hà Nội. Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia thuộc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết trung bình mỗi ngày Viện cung cấp trung bình từ 400-500 đơn vị tiểu cầu cho cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện, nhưng trong đợt dịch sốt xuất huyết năm nay, nhu cầu tiểu cầu tăng gấp đôi.

"Ngoài sản xuất, điều chế tiểu cầu từ máu tiếp nhận thì phải có người hiến tiều cầu để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị nói chung và bệnh nhân sốt xuất huyết nói riêng", ông Quế nói với VietNamNet. Về cơ bản, trong vụ dịch sốt xuất huyết bùng phát năm 2023, các bệnh viện phía Bắc không thiếu tiểu cầu để truyền cho bệnh nhân.

chunhatdo
.png
Tại họp báo chiều 12/12, ban tổ chức Chủ nhật Đỏ 2024 cho biết chương trình dự kiến tiếp nhận khoảng 50.000 đơn vị máu. Ảnh: Duy Phạm

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết trong năm 2023, viện tiếp nhận hơn 450.000 đơn vị máu toàn phần và hơn 35.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách. "Đó là kỷ lục từ trước đến nay", bác sĩ Thanh nói.

Cùng với nhiều chương trình hiến máu khác như Lễ hội Xuân hồng, Giọt hồng yêu thương, Chủ nhật Đỏ là chuỗi hoạt động hiến máu tình nguyện quen thuộc với nhiều người. Ở lần tổ chức thứ 16, Chủ nhật Đỏ diễn ra từ tháng 11/2023 đến hết tháng 3/2024, dự kiến tại 45 tỉnh, thành và hàng chục đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp.

Dự kiến chương trình huy động hơn 100.000 người tham dự, tiếp nhận khoảng 50.000 đơn vị máu, góp phần lớn vào đáp ứng nhu cầu máu cho điều trị dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.