Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia họp bàn cách bảo vệ bản quyền phần mềm. Ảnh: Kim Long

Sợ bị 'chôm' nên ngành phần mềm kém phát triển

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm nói không phải doanh nghiệp phần mềm không có năng lực, mà vì sợ không bảo vệ được bản quyền.

“Không có một công ty phần mềm Việt Nam nào thành công nhờ làm các phần mềm đóng gói cả, mà gần như tất cả các doanh nghiệp đều tập trung làm gia công phần mềm cho các đối tác nước ngoài”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm (VINASA) nói.

Số liệu của VINASA cho thấy hiện có khoảng 720 doanh nghiệp phần mềm thực tế đang có hoạt động, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Gần 20 năm nay chúng tôi không làm phần mềm đóng gói, bởi gần như không thể bảo vệ được bản quyền của các sản phẩm này

Ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc FPT
Theo ông Bình, không phải các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam không có đủ năng lực làm phần mềm đóng gói, mà chủ yếu e ngại những sản phẩm phần mềm làm ra không thể bảo vệ được bản quyền.

“Ngay như ở công ty FPT Software, với 3.500 chuyên viên lập trình, nhưng gần 20 năm nay chúng tôi không làm phần mềm đóng gói (từ một phần mềm tên gọi SmartBank dành cho ngành ngân hàng – PV), bởi gần như không thể bảo vệ được bản quyền của các sản phẩm này”, ông Bình chia sẻ.

Đã ‘bắt trúng bệnh’, ông Bình cho rằng Việt Nam muốn có bước tiến đột phá để xây dựng một ngành công nghiệp phần mềm, để trở thành một điểm đến của phần mềm thế giới, chỉ có một con đường là giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm xuống.

Thực thi bản quyền trước hết vì lợi ích tự thân

“Việc tôn trọng bản quyền phần mềm khi Việt Nam đã gia nhập WTO thể hiện cam kết và sự tôn trọng luật chơi chung của Việt Nam, nhưng nói như thế là không đủ. Bảo vệ bản quyền phần mềm trước hết và cao nhất chính là vì lợi ích của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Vũ Đức Đam nói.

Ở góc độ những người trực tiếp làm phần mềm, ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng ĐHBK Hà Nội (BKIS), kể: “Cho dù phần mềm diệt virus BKAV được cung cấp miễn phí cho người dùng, nhưng kể từ khi bán được sản phẩm thương mại BKAV Pro, chúng tôi có thêm nguồn tài chính nên sáng tạo được nhiều hơn và hỗ trợ khách hàng cũng tốt hơn nhiều”.

Tôn trọng bản quyền phần mềm chính là biện pháp thiết thực nhất bảo về quyền lợi cho các doanh nghiệp, cả những doanh nghiệp sản xuất phần mềm, doanh nghiệp sử dụng phần mềm và người tiêu dùng

Ông Đào Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tin học Ngân hàng Ngoại thương
Còn về phía những người ứng dụng, ông Đào Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tin học Vietcombank khẳng định lợi ích lâu dài của việc tôn trọng bản quyền phần mềm đối với đơn vị ứng dụng. “Tôn trọng bản quyền phần mềm chính là biện pháp thiết thực nhất bảo về quyền lợi cho các doanh nghiệp, cả những doanh nghiệp sản xuất phần mềm, doanh nghiệp sử dụng phần mềm và người tiêu dùng”, ông Tuấn khẳng định.

Không chỉ cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm nội địa, theo các chuyên gia, việc vi phạm bản quyền phần mềm phổ biến còn là một yếu tố cản trở lớn tới việc kêu gọi đầu tư và chuyển giao công nghệ của các công ty phần mềm lớn vào Việt Nam.

Một quan chức cho hay, trong nhiều cuộc tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền phần mềm nói riêng tại Việt Nam thường được họ nhắc đến với một ấn tượng xấu và “rất khó quên được những lời như vậy”, quan chức này nói.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA), tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam năm 2006 là 88%, giảm được 2% so với năm 2005. Tuy nhiên, giá trị vi phạm tăng hơn. Nếu như năm 2005, con số thiệt hại về vi phạm bản quyền phần mềm là 38 triệu USD thì năm 2006, mức thiệt hại lại tăng lên tới 96 triệu USD.

“Tuy nhiên, việc giảm được 2% tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm là một kết quả rất đáng ghi nhận của Việt Nam, dẫu các bạn còn rất nhiều việc phải làm”, ông Tarvn Sawney, chuyên gia nghiên cứu của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp BSA, nhận xét.

Ông Tarvn Sawney cũng cho hay, theo BSA, khi Việt Nam giảm được tỷ lệ này từ 92% (năm 2002) xuống còn 88% (năm 2006), ngành phần mềm Việt Nam đã tạo ra được 4.097 việc làm, 1 tỷ USD cho GDP và 726 triệu USD cho các nhà bán lẻ địa phương.

Đặng Nguyễn

(Tìm đọc toàn bộ bài viết trên Báo Bưu điện Việt Nam số 41 ra ngày 21/05/2007)