Thủ đô của điện thoại thông minh
Năm 2008, Samsung chính thức nhận giấy phép đầu tư và bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh. Cột mốc ấy đánh dấu sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có tên trên bản đồ sản xuất điện thoại di động toàn cầu.
Mức vốn đầu tư của Samsung thời điểm ấy chỉ ở mức 670 triệu USD. Thế nhưng, không lâu sau đó, hàng loạt kế hoạch “siêu khủng” của tập đoàn này đã biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Samsung.
10 năm sau ngày nhà máy đầu tiên được “khai sinh”, đến nay tổng vốn đầu tư của Samsung đã tăng gấp gần 26 lần, lên tới trên 17,3 tỷ USD, thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam.
Samsung đang ngày càng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. |
Trong tổng số 9 nhà máy sản xuất điện thoại di động trên toàn cầu của Samsung thì Samsung Việt Nam là nhà máy lớn, hiện đại nhất và đóng góp 50% tổng sản lượng của Samsung điện tử trên toàn cầu.
Tính đến nay, mỗi năm có khoảng 170 triệu sản phẩm điện thoại sản xuất tại Samsung Việt Nam được xuất khẩu đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là châu Âu, Trung Đông, Đông Nam Á,...
Những chiếc điện thoại Samsung “made in Việt Nam” đã đưa Việt Nam lên một tầm cao mới. Tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thốt lên: “Chúng ta được gọi là thủ đô của điện thoại thông minh. Tự hào lắm!”.
Nói Việt Nam là “thủ đô của điện thoại thông minh” không có gì sai cả. Bởi ngoài Samsung, thì tháng 11/2011, “người khổng lồ” trong lĩnh vực điện thoại là Nokia cũng được Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại KCN VISIP Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Khởi công xây dựng từ tháng 3/2012, nhà máy này hoàn thành toàn bộ công đoạn xây dựng vào tháng 9/2013 để bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 6/2013.
Tiếc thay, sự suy yếu của “người khổng lồ” Nokia đã khiến số phận nhà máy Nokia Việt Nam chứa đầy bấp bênh. Không lâu sau khi Tập đoàn Microsoft mua lại Bộ phận thiết bị và dịch vụ của Tập đoàn Nokia (bao gồm cả Nokia Việt Nam) vào tháng 4/2014, thì đến ngày 18/12/2014, Công ty TNHH Nokia Việt Nam được đổi tên thành Công ty TNHH Microsoft Mobile Việt Nam.
Khi đó, Microsoft cũng có kế hoạch tiến hành chuyển giao một số lượng lớn các dây chuyền sản xuất từ các nhà máy tại Trung Quốc, Hungary, và Mexico tới Việt Nam với định hướng phát triển Nokia Việt Nam thành nhà máy sản xuất chủ lực của Microsoft.
Song, kế hoạch này trở nên dang dở khi tháng 5/2016, Tập đoàn Microsoft đã đạt được thỏa thuận giao dịch bán mảng điện thoại truyền thống cho FIH Mobile Ltd., thuộc Tập đoàn Công nghệ Foxconn và HMD Global, Oy. Giá trị của thương vụ trên là 350 triệu USD. Theo đó, FIH Mobile Ltd. sẽ tiếp quản Microsoft Mobile Việt Nam - nhà máy sản xuất điện thoại tại Bắc Ninh.
Rồi năm 2015 LG cũng đầu tư một nhà máy sản xuất các sản phẩm của tập đoàn này ở Hải Phòng, trong đó cả điện thoại thông minh, với tổng vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD.
Và gần đây, những chiếc điện thoại thông minh mang thương hiệu Việt như Vsmart, Bphone... lần lượt trình làng càng làm sinh động thêm cho việc sản xuất sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam.
Những câu chuyện kể trên cho thấy, Việt Nam thực sự đã trở thành “thủ đô của điện thoại thông minh”, đánh dấu bước chuyển mình từ một đất nước nông nghiệp thành quốc gia tiệm cận với những ngành công nghiệp công nghệ cao.
Việt Nam thực sự đã trở thành “thủ đô" của điện thoại thông minh |
Ẩn số iPhone “made in Việt Nam”
Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, tâm sự: Khi Samsung đầu tư ở Bắc Ninh, có người nói ưu đãi nhiều thế có ổn không. Nhưng thử làm bài toán Samsung sử dụng bao nhiêu đất, bao nhiêu lao động thì sẽ ra ngay có ổn hay không. 3 dự án của Samsung sử dụng 100 ha đất. Năm 2018 Samsung nộp ngân sách (không kể số thuế nộp qua hải quan) là 5.400 tỷ đồng, sử dụng 7,7 vạn lao động.
“Có 100 ha đất mà nộp ngân sách 5.400 tỷ, xuất khẩu trên 50 tỷ USD. Có mấy DN ở Việt Nam được như vậy không?”, lãnh đạo Bắc Ninh nhận định và cho rằng, dòng tiền Samsung tạo ra là rất lớn, có vai trò cực kỳ quan trọng. Đó là chưa kể kéo theo tới 400 DN công nghiệp phụ trợ đầu tư vào Bắc Ninh.
Hiệu ứng tích cực ấy đang được “kích hoạt” thêm khi có thông tin hé lộ iPhone có thể được sản xuất ở Việt Nam.
Tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với UBND TP. Hà Nội chiều 22/11/2018, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiết lộ một tập đoàn của Trung Quốc với mong muốn đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Hà Nội.
“Một tập đoàn Trung Quốc” được nhiều người ngầm hiểu rằng đó là Foxconn (Đài Loan) - đơn vị đang lắp ráp các sản phẩm iPhone cho Apple ở Trung Quốc.
Nguồn tin của VietNamNet cho hay, không chỉ Hà Nội, giới chức Foxconn cũng đã tiếp xúc với các lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh - nơi tập đoàn này có nhà máy sản xuất linh phụ kiện suốt 10 năm nay. Tuy nhiên, việc quyết định đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam hay không vẫn còn chưa rõ ràng, nhất là khi Foxconn vừa đầu tư tới 10 tỷ USD để sản xuất màn hình LCD ở Mỹ.
Một thông tin ít người biết là đầu tư vào Việt Nam năm 2007, tập đoàn Đài Loan này đã có ý tưởng sản xuất iPhone ở Việt Nam. Thế nhưng sau nhiều cân nhắc, Foxconn đã chọn tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Nhưng trong một thế giới có nhiều biến động khó lường, còn Việt Nam lại đang vươn lên mạnh mẽ trên con đường thành “thủ phủ smart phone” của thế giới, thì nếu một ngày nào đó iPhone sản xuất ở Việt Nam cũng không có gì lạ lẫm. Nếu ngày đó tới, thì nhiều địa phương có cơ hội để tái hiện lại những kỳ tích mà Bắc Ninh, Thái Nguyên đã làm được khi Samsung đặt "đại bản doanh".
Bắc Ninh, Thái Nguyên là hai địa phương thay da đổi thịt nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Từ chỗ thuần nông, Bắc Ninh đã vươn lên mạnh mẽ khi tiếp nhận dòng vốn tỷ đô, trở thành hình mẫu trong thu hút đầu tư nước ngoài, còn Thái Nguyên cũng có cú chuyển mình ngoạn mục với sự xuất hiện của đại gia Samsung (Hàn Quốc).
Số liệu của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho thấy, hai dự án của Samsung ở Bắc Ninh là Samsung Electronics và Samsung Display đã chiếm đến 68% doanh thu của DN có vốn đầu tư nước ngoài toàn tỉnh. Riêng dự án Samsung Electronics Thái Nguyên chiếm tới 92% doanh thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài toàn tỉnh Thái Nguyên.
Nhìn rộng ra ngoài phạm vi lĩnh vực sản xuất điện thoại, với sự có mặt của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Intel, Foxconn, Samsung, LG, Canon, Panasonic... cơ hội để Việt Nam tiếp tục định vị mình trong chuỗi cung ứng của thế giới ngày càng rõ ràng. Cơ hội cho các địa phương vẫn tiếp tục rộng mở, điều quan trọng là biết nắm bắt hay không.
Lương Bằng