Trong thập kỷ qua, điện thoại thông minh đã trở thành công cụ để ghi lại những hành động bạo lực của cảnh sát với người gốc Phi tại Mỹ. Từ vụ nạn nhân da màu Oscar Grant năm 2009 đến vụ George Floyd năm 2020 đều được ghi lại bằng smartphone.
Phóng viên Joanna Stern của Wall Street Journal đã tìm đến những người ghi lại các video trên để chứng minh sự phát triển của smartphone hỗ trợ đắc lực cho việc chống lại bất công.
Năm 2008, Steve Jobs giao nhiệm vụ phát triển tính năng quay video trên iPhone cho một nhóm nhỏ kỹ sư tại Cupertino, California. Ông làm việc này sau khi thấy mọi người yêu thích tính năng chụp ảnh trên những chiếc iPhone đầu tiên. Năm 2009, Apple ra mắt 3GS, chiếc iPhone đầu tiên có thể quay video.
Đoạn video quay lại cảnh George Floyd bị cảnh sát đè vào cổ được ghi lại bởi Darnella Frazier. |
Smartphone không chỉ để chụp bánh ngọt
10 năm trôi qua tương ứng với 10 model iPhone mới được ra mắt. Đến một ngày, Darnella Frazier, 17 tuổi đã đứng trên vỉa hè thành phố Minneapolis, vuốt mở khóa chiếc iPhone 11 màu tím của mình và quay video nhanh nhất có thể.
Cô nhấn vào vòng tròn màu đỏ trên màn hình cảm ứng, quay lại đoạn video 10 phút 9 giây. Cô cố giữ điện thoại của mình ổn định nhất có thể. Cô ghi lại cảnh George Floyd, một người đàn ông da màu đang kêu cứu khi bị Derek Chauvin, một cảnh sát da trắng đang đè đầu xuống đất.
“Tôi đã mở điện thoại và ghi hình. Bởi tôi biết, nếu không làm như vậy, sẽ chẳng ai tin vào những gì tôi đã thấy”, Frazier nói.
Ngày 26/5, một ngày sau đó, Frazier mở ứng dụng Facebook lên, đăng video của Floyd và cả thế giới biết đến tên anh.
Trong thập kỷ qua, các công ty công nghệ tập trung tiếp thị về số megapixel và nhiều ống kính. Họ chỉ giới thiệu việc camera tốt sẽ chụp ra bức ảnh về chiếc bánh ngọt, một chú chó đẹp như thế nào. Nhưng camera trên smartphone đã làm tốt hơn thế.
Jamil Dewar đã quay lại video về cái chết của Oscar Grant vào ngày 1/1/2009 bằng một chiếc điện thoại nắp gập. |
“Đây là công cụ duy nhất của chúng tôi có ngay bây giờ. Nó là cách hiệu quả nhất để mang lại sự công bằng”. Feidin Santana nói với phóng viên Joanna Stern.
Ông Santana đã dùng chiếc điện thoại của mình để quay một cảnh sát giết chết người đàn ông tên Walter Scott ở Nam Carolina.
“Điện thoại thông minh là vũ khí để tôi kể những câu chuyện. Nó ghi lại những thứ đã xảy ra”, Arthur, người thuộc tổ chức Stop the Killing nói. Arthur đã đăng một đoạn video được quay bởi một người giấu tên về vụ cảnh sát ở Baton Rouge giết chết người có tên Alton Sterling vào năm 2016.
Video là bằng chứng chống lại bạo lực
Nhiều người Mỹ da trắng đã thất bại trong việc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Nhưng với smartphone, việc khiến cả thế giới chứng kiến những hành vi tàn bạo của cảnh sát với người Mỹ gốc Phi trở nên dễ dàng hơn.
Trong quá khứ, những chi tiết về cái chết của một người da màu sẽ bị bóp méo qua các bản báo cáo của cảnh sát da trắng. Nhưng với các cảnh quay của Frazier, cảnh sát không thể chối cãi và sự thật về nạn phân biệt chủng tộc được phơi bày.
Feidin Santana quay lại cảnh nạn nhân Scott bị sĩ quan Michael Slager truy đuổi bằng chiếc Samsung Galaxy S5. |
Ngày xưa, việc quay video cần hội đủ nhiều điều kiện như thời điểm, nơi đặt máy, thiết bị phù hợp. Đó là câu chuyện về George Holliday vào ngày 3/3/1991.
Holliday cầm chiếc máy quay Sony Handycam khi đang đứng trên thềm nhà mình. Anh thấy cảnh sát Los Angeles đang đánh đập người đàn ông tên Rodney King. Các cảnh quay run lên bần bật khiến những nhân vật bên trong khung hình khó nhận diện. Máy bay trực thăng trên bầu trời nhấn chìm tiếng la hét của nạn nhân. Nhưng đoạn video đủ để Holliday trở thành người đầu tiên lan truyền bằng chứng về việc cảnh sát dùng vũ lực quá mức tại Mỹ.
George Holliday quay lại cảnh Rodney King bị nhóm cảnh sát hạ gục bằng chiếc Sony Handycam vào năm 1991. Ảnh: AP. |
Chất lượng video cũng là câu chuyện của Karina Vargas, người sử dụng máy ảnh kỹ thuật số Fujifilm Finepix vào đêm 1/1/2009 quay lại cảnh sát viên Julian Mehserle bắn vào nạn nhân Oscar Grant, 22 tuổi tại trạm trung chuyển Fruitvale BART ở Oakland, California.
Vargas cho biết cô cũng có một chiếc điện thoại Motorola Razr, nhưng cô chọn Fujifilm 10 MP để có thể quay video chất lượng tốt hơn. Vào thời điểm đó, 10 MP sẽ cho ra video chất lượng 480p. Trong đoạn video với các pixel run rẩy, cô ghi lại việc các sĩ quan Mỹ đứng xung quanh Grant và tiếng súng vang lên.
Một ngày sau đó, đài truyền hình địa phương đã đến để xem những gì cô ấy đã quay lại. Họ chép video từ thẻ nhớ của cô sang máy tính xách tay và phát sóng vào hôm sau.
“Nếu tôi có một chiếc iPhone vào hôm đó, tôi sẽ có video tốt hơn nhiều. Tôi sẽ đến gần hơn và chia sẻ video ngay lập tức lên Instagram hoặc một nơi nào đó để mọi người có thể xem ngay. Ngay bây giờ, mọi người hãy có thói quen quay lại những cảnh chết tiệt này”, Vargas nói.
Giống với Vargas, những người ngoài cuộc khác cũng đã quay lại video về cái chết của Grant từ những góc khác nhau. Kết quả, viên cảnh sát Mehserle bị kết tội giết người cấp độ 2 vào năm 2010.
Đến năm 2014, Ramsey Orta với chiếc smartphone Samsung Galaxy 2011 đã quay lại video chất lượng 720p về Eric Garner. Người đàn ông này bị bao vây bởi các sĩ quan thành phố New York. Orta đã quay cảnh Garner bị viên sĩ quan vật ra vỉa hè, đưa nạn nhân vào thế siết cổ. Trên video đó, Garner đã nói 11 lần “tôi không thể thở” trước khi chết.
Orta đã đưa đoạn video trên cho New York Daily News. Nó nhanh chóng được lan truyền trên Facebook, Twitter và YouTube. Cụm từ “tôi không thể thở” đã trở thành khẩu hiệu của phong trào Black Live Matter từ lúc ấy.
Mặc dù cái chết của Garner được phán quyết là một vụ giết người, nhưng viên cảnh sát liên quan lại không bị truy tố.
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, năm 2015, 69% người Mỹ có smartphone. Trong số đó có Feidin Santana ở North Charleston. Anh vừa nhận được một chiếc Samsung Galaxy S5 tử một người bạn. Chiếc điện thoại này có thể quay phim 16 MP. Anh tình cờ đi bộ đến nơi làm việc thì chứng kiến nạn nhân Scott bị sĩ quan Michael Slager truy đuổi.
Khi đó, Santana đã mở nhanh tính năng quay phim và ghi liên tục trong 3 phút cảnh Slager bắn Scott 5 lần. Đó cũng là video đầu tiên Santana quay trên chiếc smartphone mới của mình.
Luật sư bào chữa cho Andy Savage chỉ vào một đoạn video trong phiên tòa xét xử cựu cảnh sát Bắc Charleston Michael Slager ngày 15/11/2016. Ảnh: Getty. |
“Tôi vẫn đang tập làm quen với điện thoại mới, nhưng chỉ sau vài giây, tôi đã có thể mở được ứng dụng quay phim”, Santana tự nhận mình không phải là người am tường công nghệ.
Video trên được sử dụng làm bằng chứng trong vụ án. Nó rất run, mờ nhưng đủ kết tội viên cảnh sát Slager giết người cấp độ 2. Sĩ quan này đã phải ở tù 20 năm.
Smartphone khiến ngành cảnh sát Mỹ phải cải cách
Trong những năm tới, Facebook, Twitter và YouTube sẽ khiến việc tải lên, chia sẻ và xem video dễ dàng hơn. Bộ nhớ smartphone cũng tăng lên và tỉ lệ người Mỹ từ 18-49 tuổi sử dụng smartphone sẽ hơn 90%. Lúc ấy, những video bạo lực, phân biệt chủng tộc... sẽ mọc lên như nấm.
Vào ngày 5/7/2016, một trong hai video cảnh sát giết Alton Sterling ở Baton Rouge đã được đăng lên Twitter. Một số sĩ quan sau đó đã bị sa thải nhưng không bị buộc tội. Ngày hôm sau, Diamond Reynold, một người phụ nữ đã phát trực tiếp cảnh bạn trai mình Philando Castile vừa bị cảnh sát bắn ở St. Anthony. Sau đó viên cảnh sát cũng không bị buộc tội ngộ sát cấp độ 2.
Gần đây nhất là vụ George Floyd. Thước phim chất lượng 1080p được xem là video độ phân giải cao nhất quay lại tình huống cảnh sát giết người đã được đăng tải.
“Tôi sẽ đăng video đó vào sáng mai. Tôi không quan tâm nếu nó bị mạng xã hội gỡ”, Frazier nói trong video trực tiếp trên Facebook của mình vài giờ sau khi Floyd bị giết.
Cảnh sát viên Chauvin sau đó đã bị buộc tội giết người cấp độ hai, các sĩ quan khác tại hiện trường cũng bị buộc tội và thành phố Minneapolis đã tái cấu trúc lực lượng cảnh sát.
Feiden Santana cầm chiếc điện thoại di động mà anh ta quay video cựu cảnh sát Bắc Charleston Michael Slager giết Walter Scott trong phiên tòa ngày 4/11/2016. Ảnh: Grace Beahm. |
Trong thập kỷ qua, điện thoại thông minh đã góp phần thay đổi hành vi của con người. Từ việc chỉ chụp ảnh vào các dịp trọng đại bằng thiết bị chuyên dụng sang việc chụp bất cứ lúc nào và chia sẻ ngay lập tức.
Khi phóng viên Joanna Stern hỏi lý do những “người ngoài cuộc” trên quay video cảnh sát giết người, tất cả đều cùng một câu trả lời là bản năng.
“Tôi biết những gì đang diễn ra. Tôi cảm thấy mình cần rút điện thoại và bắt đầu ghi hình”, Brandon Brooks, người đã quay phim Dajerria Becton, một thiếu niên da đen bị sĩ quan da trắng ở McKinney, Texas đánh đập tàn nhẫn nói. Vài ngày sau, viên cảnh sát đã từ chức.
Nhưng việc quay video những người nắm công quyền đi kèm nỗi sợ bị trả thù. “Tôi đã chia sẻ video trên ngay lập tức. Tôi nghĩ, cuộc sống của tôi có thể gặp nguy hiểm. Nó là quyết định rất khó khăn. Tôi sợ cảnh sát sẽ đuổi theo tôi”, Santana, người quay vụ giết Alter Scott nói.
Còn với Vargas, cô nhớ rất rõ một sĩ quan đã cố giữ máy ảnh của cô sau khi quay cảnh Oscar Grant bị cảnh sát tấn công.
“Nhưng nếu không có video, những gì chúng tôi có chỉ là lời khai của một người đàn ông gốc Phi chống lại những cảnh sát da trắng. Việc kết tội thật sự rất khó khăn”, John Burris, một luật sư dân quyền đại diện cho gia đình ông Grant nói.
Feiden Santana, cầm chiếc điện thoại di động mà anh ta quay video cho thấy cựu cảnh sát Bắc Charleston Michael Slager, cuộc gặp gỡ chí mạng với Walter Scott, làm chứng trong phiên tòa xét xử vụ giết người Slager, ngày 4 tháng 11 năm 2016.
Cảnh sát cũng ngày càng nhận thức rõ hơn sự hiện hữu của smartphone xung quanh họ. Những hành động bạo lực quá mức cũng từ đó bị cản trở.
Ngược lại, cảnh sát cũng được trang bị camera để tự bảo vệ mình. Cảnh sát trưởng Christopher Swanson, từ Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Genesee ở Flint, Mich tin rằng cái chết của Floyd sẽ khiến ngành cảnh sát phải cải cách mạnh mẽ.
Tính năng quay video trên smartphone không phải liều thuốc chống phân biệt chủng tộc nhưng chí ít, nó cung cấp cho mọi người cái nhìn minh bạch hơn về sự việc. Camera càng được nâng cấp, mọi người sẽ càng có thể ứng dụng nó vào những việc khác, không chỉ là quay phim cảnh sát.
(Theo Zing)
Nhóm hacker khét tiếng Anonymous bị mạo danh để tấn công cảnh sát Mỹ
Nhóm hacker khét tiếng Anonymous nhiều khả năng đã bị một tin tặc mạo danh khi tấn công vào trang web của sở cảnh sát thành phố Minneapolis (bang Minnesota, Mỹ).
Người biểu tình Mỹ 'né' cảnh sát nhờ ứng dụng quét sóng radio
5-0 Radio là ứng dụng cho phép người dùng nghe được các đoạn hội thoại của lực lượng cảnh sát trên toàn lãnh thổ nước Mỹ.