Trước chia sẻ của đại diện Google, một nữ sinh viên Việt Nam đặt câu hỏi: "Ông nói rằng ông thích Việt Nam, vậy tại sao Google chưa có văn phòng tại Hà Nội? Chúng tôi cũng có rất nhiều tài năng, không kém bất cứ quốc gia nào. Tôi đảm bảo với ông điều này".
Tại Diễn đàn về Khởi nghiệp sáng tạo: ASEAN 4.0 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN đang diễn ra tại Hà Nội, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Google chia sẻ rằng: "Tôi rất thích đến Việt Nam, đây là quốc gia có tinh thần kinh doanh tốt và tất cả những doanh nghiệp tôi gặp đều rất hăng hái nói về cách mạng công nghiệp 4.0".
Ông Rajan Anandan cho rằng, 10 quốc gia ASEAN là một nền kinh tế số có quy mô lớn và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
"Nói đến 4.0 là nói về kinh tế số. Nền kinh tế số của ASEAN dù đang bùng nổ nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, tỷ trọng nền kinh tế số trong tổng GDP tại đây mới là 7%, trong khi ở Trung Quốc là 16%, 5 nước đứng đầu EU là 20% và Mỹ là 23%. Tôi nghĩ rằng kinh tế số ở ASEAN có thể tăng gấp 5 lần nữa", ông Rajan Anandan nói.
Theo ông, cần đảm bảo ASEAN có 1 nền kinh tế số mang tính hội nhập cao để dòng chảy dữ liệu và hàng hóa được thông suốt. Và điều quan trọng nhất là đảm bảo con người làm chủ máy móc.
Đại diện Google cũng cho hay, các công ty như Google tập trung tạo kĩ năng từ sinh viên cho đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông cũng cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ vào vừa là khu vực quan trọng, có thể coi là "xương sống" của ASEAN khi chiếm tới 50% GDP của khu vực và tạo ra 80% việc làm.
"Chúng ta hãy nghĩ tới việc làm thế nào để ASEAN nắm bắt được toàn bộ tiềm năng của lĩnh vực kinh tế số? Và giải pháp là phải tạo kĩ năng khai thác kinh tế số cho khu vực này", ông Anandan nói. Đồng thời cho hay, Google cam kết đến năm 2020 sẽ đào tạo kỹ năng cho 3 triệu chủ sở hữu và nhân viên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đảm bảo họ có thể chuẩn bị tốt nhất để bước vào 4.0.
Diễn đàn về Khởi nghiệp sáng tạo: ASEAN 4.0 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN đang diễn ra tại Hà Nội |
Trước chia sẻ của đại diện Google, một nữ sinh viên Việt Nam đặt câu hỏi: "Ông nói rằng ông thích Việt Nam, vậy tại sao Google chưa có văn phòng tại Hà Nội? Chúng tôi cũng có rất nhiều tài năng, không kém bất cứ quốc gia nào. Tôi đảm bảo với ông điều này".
Câu hỏi của nữ sinh viên nhận được nhiều hưởng ứng từ phía diễn giả và khán giả trong nước và quốc tế tham gia sự kiện. Một trong những diễn giả là Bộ trưởng Malaysia 25 tuổi, ông Syed Saddiq Abdul Rahman bật cười thích thú.
Trả lời câu hỏi này, ông Rajan Anandan khẳng định Việt Nam là quốc gia vô cùng quan trọng với lượng người dùng Internet rất lớn, lên tới hơn 50 triệu người, vượt xa nhiều nước khác.
Theo đại diện Google, chiến lược của Google là tập trung vào từng quốc gia để đảm bảo các sản phẩm luôn tốt, dù nhỏ nhất. Đồng thời, đảm bảo giải quyết được các rào cản trong việc công dân truy nhập được vào mạng. Sau cùng mới là bước có mặt tại hiện trường.
"Google đang thảo luận với Chính phủ Việt Nam về các chính sách liên quan và hiện còn một số vấn đề cần giải quyết. Điều quan trọng là các bạn trẻ Việt Nam hãy tự làm việc cho mình, làm thế nào để khai thác các nguồn lực từ nền tảng Google, thậm chí có thể trở thành một Google tiếp theo", ông nói.
Tại phiên thảo luận, các diễn giả cũng chia sẻ về vấn đề bảo vệ dữ liệu người dùng, trong đó đặc biệt là vai trò của các ông lớn như Google, Facebook.
Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq Abdul Rahman cho rằng, sự kết nối trên thế giới đã mang lại nhiều giá trị, trong đó có thể kể đến ví dụ như những quốc gia, tổ chức nhỏ có thể bắt kịp các gã khổng lồ.
"Bảo vệ dữ liệu người dùng là quan trọng, nhưng trong dài hạn sẽ tác động xấu đến khởi nghiệp. Khi có truy cập tốt hơn tới dữ liệu, minh bạch, công khai dữ liệu thì có điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển”, ông Syed Saddiq Abdul Rahman nói.
Đại diện cho Google, ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Google Ấn Độ nhấn mạnh, với Google, dữ liệu, thông tin riêng tư của người dùng là rất quan trọng. Theo đó, người dùng hoàn toàn có thể kiểm soát và giám sát được dữ liệu của mình.
"Quyền lực của ASEAN là nằm trong ASEAN. Nếu giải phóng nền kinh tế số thì tiềm lực còn phát triển mạnh hơn nữa. Còn nếu một quốc gia muốn khóa mình lại thì không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa của quốc gia đó mà còn ảnh hưởng đến cả thị trường tiềm năng của ASEAN”, ông Rajan Anandan nói thêm.
Theo Bizlive
Quốc gia nào bỏ lỡ chuyến tàu 4.0 sẽ thất bại
Sự khác biệt của CMCN 4.0 là toàn diện và tốc độ. Quốc gia nào bỏ lỡ chuyến tàu 4.0 sẽ thất bại, Chủ tịch điều hành WEF - Klaus Schwab nhấn mạnh.
Quyền Bộ trưởng TT&TT sẽ đồng chủ tọa WEF ASEAN
Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng sẽ tham gia làm đồng chủ tọa hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN.
Bộ trưởng 26 tuổi gây sốt: Theo đuổi đam mê sẽ làm điều kỳ diệu
Bộ trưởng trẻ tuổi nhất Malaysia sáng nay tham dự sự kiện đầu tiên của hội nghị WEF ASEAN 2018.