Ngày 11/12, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Mạng lưới Câu lạc bộ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Thủ đô (HUB Network) và tổ chức AI-JAM Hoa Kỳ phát động cuộc thi Codwar 2023 với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo dự báo mức độ an toàn phòng cháy, chữa cháy của các khu vực nhà ở trên địa bàn Hà Nội".

Theo Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng, mục tiêu của cuộc thi năm nay là ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Từ đó, tạo bước ngoặt mới để bảo vệ an toàn, giảm thiểu rủi ro đến tài sản và tính mạng, mang lại hiệu quả trong việc phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ, xác định nguyên nhân cháy.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội nhấn mạnh, trong thời gian qua, không ít vụ cháy xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của một phần do chưa có hệ thống đồng bộ, thông minh, hiệu quả để dự báo được mức độ an toàn phòng cháy, chữa cháy của các khu nhà ở.

screenshot20231218 1.png
Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng trao giải Nhất cho Team 4-to-Five đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ban tổ chức cuộc thi mong muốn cuộc thi là môi trường để đoàn viên, thanh niên, sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ trong học tập và lao động sản xuất; góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên, góp phần củng cố, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh.

100 thí sinh chia làm 20 đội đã tham gia vòng sơ loại của cuộc thi trong hai ngày 11 và 12/12. Các chuyên gia đã hướng dẫn 20 đội thi sử dụng các công cụ lập trình như AI-wonder, Python, Streamlit… để xây dựng mô hình dự đoán khả năng xảy ra cháy dựa trên đặc điểm của các công trình nhà ở như diện tích, mặt tiền, độ rộng mặt ngõ, lịch sử bảo trì thiết bị. Từ đó, tổng hợp thành các báo cáo nhằm đề xuất giải pháp, ứng dụng giúp nâng cao khả năng phòng, chống cháy, nổ trong tương lai. Các đội còn viết ứng dụng cho người dùng sử dụng mô hình này. Đặc biệt, nhiều đội đưa cả chatbot ChatGPT, Gemini vào ứng dụng.

Sau 2 ngày sơ loại, ban giám khảo lựa chọn 5 đội bước vào chung kết ngày 17/12 để trình bày và bảo vệ ý tưởng trong 10 phút. Trước đó, từ ngày 14 đến 16/12, 5 đội được chuyên gia tư vấn, đào tạo, cung cấp các công cụ, kỹ năng cần thiết để hoàn thiện sản phẩm. Ban giám khảo dựa vào phần thuyết trình và trả lời câu hỏi của mỗi đội để đánh giá tính ứng dụng trong dự báo phòng cháy, chữa cháy trong thực tế.

Kết quả, đội 4-to-Five (Đại học Bách khoa) giành giải Nhất, đội Flame Buster (Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa) giành giải Nhì và đội Fire Star (Đại học Bách khoa Hà Nội) giành giải Ba. Hai đội TLU Fire Safety (Trường ĐH Thủy lợi) và Team 10 (Đại học Bách khoa Hà Nội (trường Đại học Thủy Lợi) cùng nhận giải khuyến khích. 5 đội cũng được nhận Bằng khen của Thành Đoàn thành phố Hà Nội.

Ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT… vào phòng cháy chữa cháy sẽ giúp bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân một cách kịp thời, ngăn chặn thảm họa xảy ra. Hàng loạt thiết bị phòng cháy chữa cháy hiện đại như robot cứu hộ cứu nạn, máy bay, drone… đã được giới thiệu tại Triển lãm quốc tế về kỹ thuật và phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thiết bị an ninh, an toàn bảo vệ năm 2023.

Các doanh nghiệp cũng giới thiệu các giải pháp kỹ thuật, hệ thống cảnh báo trực tuyến nhằm phòng cháy chữa cháy từ xa, chủ động thông báo, ngăn ngừa và chữa cháy ngay từ những giây phút đầu tiên xảy ra sự cố. Trên thế giới, nhiều nước đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện dự đoán và phòng chống cháy rừng. Chẳng hạn, tại Thổ Nhĩ Kỳ, một bản đồ nguy cơ cháy rừng tương tác đã được phát triển, tận dụng lợi thế của AI và thuật toán máy học (machine learning). Từ nhiều nguồn dữ liệu bao gồm lịch sử, khí tượng và địa lý, bản đồ xây dựng mô hình dựa trên phân bổ tài nguyên tối ưu.

Theo Weforum, nhờ áp dụng thành công tại Türkiye, tỷ lệ chính xác trong dự báo cháy rừng trước 24 giờ lên đến 80%. Thông tin giúp nhà chức trách chuẩn bị và ứng phó một cách chủ động. Thành công của chương trình thí điểm cho thấy, AI hiệu quả ra sao trong hỗ trợ cơ quan quản lý và cứu người, bảo vệ tài sản, bảo vệ môi trường, giảm đáng kể thiệt hại do cháy rừng.

Văn Cảnh và nhóm PV, BTV