Là năm thứ hai ăn Tết tại Việt Nam, Atarashi Saku, sinh viên năm 3 của khoa Việt Nam học, Trường ĐH Hà Nội vẫn cảm thấy háo hức, mong chờ. Năm ngoái, cô gái Nhật Bản được trải nghiệm phong tục Tết ở quê một người bạn học ở Vĩnh Phúc. Saku “phải lòng” Tết Việt Nam ngay từ lúc ấy.

Trong suốt những ngày này, Saku được cùng gia đình bạn đi mua đào, mặc áo dài, gói bánh chưng, hát karaoke, ăn những món cổ truyền. Mê mẩn món bánh chưng, nem rán, Saku tăng tới 4kg sau kỳ nghỉ Tết.

HANU0231.JPG
Atarashi Saku (ngoài cùng bên trái) cùng các sinh viên quốc tế khác trải nghiệm Tết Việt.

Thích thú với Tết Việt, năm nay Saku vẫn quyết định ở lại Việt Nam. Cô cùng hàng trăm sinh viên quốc tế khác được nhà trường tổ chức Tết sớm, gồm các hoạt động như múa lân, xin chữ, ném vịt, nhận lì xì.

“Em thích nhất hoạt động nhận lì xì. Đây là một nét văn hóa thú vị. Không quan trọng con số là bao nhiêu nhưng điều này tượng trưng cho may mắn và những điều tốt đẹp”, nữ sinh nói.

Theo Saku, Tết Việt Nam và Nhật Bản rất khác nhau. Người Nhật thường đón Tết theo lịch Dương. Trong ngày Tết, mọi người sẽ đi chùa cầu may, ăn mì Soba (mì Trường thọ) thay vì dành quá nhiều thời gian cho việc nấu nướng. Không được ăn Tết dài như Việt Nam, Saku thích thú khi được cùng mọi người tỉ mỉ chuẩn bị từng khâu cho ngày Tết như dọn nhà, đi mua sắm, bày biện mâm ngũ quả...

“Năm nay em đã lên kế hoạch cụ thể cho những ngày Tết tại quê một người bạn. Mong rằng chúng em có thể đón ngày Tết cổ truyền trọn vẹn, ý nghĩa tại Việt Nam”, Saku nói.

z6239934016632_c5b2619f2b328e16e470eb018db927af.jpg
Lý Na, du học sinh trao đổi của Trung Quốc, trải nghiệm gói bánh chưng.

Còn đối với Lý Na, du học sinh trao đổi của Trung Quốc, đây là lần đầu tiên nữ sinh được trải nghiệm Tết Việt Nam. Lần đầu tiên học gói bánh chưng, Lý Na nhận xét “rất khó, nhất là công đoạn gấp lá và gói sao cho vuông vắn”.

Ở quê hương Vân Nam của cô cũng có một loại bánh tương tự làm từ gạo nếp, được nhồi nhân và luộc hoặc hấp chín, nhưng nhỏ hơn bánh chưng. Tuy nhiên, mọi người lại thường ăn sủi cảo, gà, cá vào dịp Tết.

“Mọi thứ thật lạ lẫm. Em vẫn đang học làm một vài món ăn Việt Nam như nem rán, bánh chưng”, Lý Na nói.

z6239933856328_d51063167b0b3034e356668ab969aa48.jpg
Lloyd Julian (áo vàng), du học sinh người Philippines, trải nghiệm trò chơi ném vòng vào cổ vịt.

Trong khi đó, Lloyd Julian, du học sinh người Philippines, lại thích thú với các trò chơi truyền thống ngày Tết, trong đó có trò ném vòng vào cổ vịt. Là năm thứ 3 tận hưởng trọn hương vị Tết cổ truyền Việt Nam nhưng nam sinh vẫn thích thú với món chả giò, bánh chưng.

Trước đó, mỗi năm, Lloyd Julian lại chọn ăn Tết tại nhà một người bạn ở các địa phương khác nhau để tìm hiểu, khám phá thêm phong tục từng vùng miền như Sơn Tây (Hà Nội), Nam Định, Ninh Bình... “Tết Việt Nam rất ấm cúng, nhộn nhịp, khiến em cảm thấy như được sống trên chính quê hương của mình”, nam sinh nói.

HANU0296.JPG
TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng khoa Việt Nam học, lì xì cho các du học sinh.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Hà Nội hiện có hơn 700 du học sinh. Trong dịp Tết này, có khoảng hơn một nửa du học sinh chọn ở lại ăn Tết Việt.

Vì vậy, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp sinh viên hiểu hơn về Tết Việt Nam như xin chữ ông Đồ, tập gói bánh chưng, làm nem rán, tặng những phong bao lì xì, tham gia một số trò chơi dân gian như nhảy sạp, chơi ném vòng bắt vịt, nặn tò he... Ngoài ra trong Tết, các em sẽ đến chúc mừng năm mới và ăn những bữa cơm đầu năm ở nhà thầy cô.

“Nhờ những trải nghiệm phong tục Tết của Việt Nam, sinh viên sẽ cảm thấy được yêu thương, gắn kết, hiểu hơn về đất nước, con người nơi các em theo học. Từ đó, các em sẽ trở thành cầu nối cho những nền văn hoá trên thế giới”, TS Nguyễn Thị Thanh Xuân nói.