Lưu Đức Anh nói rằng âm nhạc cổ điển đã giúp mình trở thành một người tốt, không ích kỷ và có kỷ luật.
PGS.TS Trần Ngọc Lan, Trưởng Khoa Âm nhạc Ứng dụng, cho biết ở những khoá trước, khoa đã “ra lò” những tên tuổi cho nền âm nhạc Việt như: Machiot (producer tại Rap Việt), Đan Ni (feat với Phúc Du trong bài "Replay trên con guây")… Kỳ thi tốt nghiệp khóa 4 năm nay cũng có sự góp mặt của một số sinh viên đạt được thành tích âm nhạc ấn tượng.
Tại buổi thi này, các sinh viên phải biểu diễn 5 tiết mục với đa dạng phong cách, gồm 1 tiết mục tự chọn, 1 tiết mục hát nhóm, 1 tiết mục có vũ đạo, 1 tiết mục tự sáng tác, 1 ca khúc phối lại. Kết quả của 4 năm học tập, rèn luyện được sinh viên thể hiện “bùng cháy” trong vòng 30 phút.
“Các em đã làm chủ sân khấu đầy tự tin, thể hiện hết mình, bùng cháy giống như một nghệ sĩ thực thụ. Đây là điều chúng tôi vô cùng tự hào bởi trước khi vào trường, có những bạn bắt đầu từ con số 0, chưa biết một nốt nhạc nào. Hiện tại, sau khi kết thúc 4 năm học, các em có thể làm một chương trình như một mini show”, PGS.TS Trần Ngọc Lan nói.
Theo PGS Lan: “Chúng tôi kỳ vọng sẽ đào tạo ra những “nghệ sĩ đa năng” thay vì những người chỉ học gì biết nấy. Do đó, các em phải ứng dụng được những kiến thức đã học vào thực tế thông qua việc biểu diễn sân khấu”.
Sau 4 năm học, Nguyễn Đức Thắng, sinh viên khoa Âm nhạc Ứng dụng khóa 4 tự tin đứng trên sân khấu chuyên nghiệp. Dù không còn nhiều bỡ ngỡ do mỗi năm, sinh viên đều được biểu diễn một lần trên sân khấu lớn của trường, nhưng Thắng vẫn mất 4 tháng để chuẩn bị cho phần thi lần này.
“So với khi vào trường, em đã biết sáng tác, chơi ghi ta, đánh trống và thêm kỹ năng biểu diễn. Mỗi kỹ năng em đều được trau dồi mạnh hơn qua từng năm”, Thắng nói.
Còn với Phạm Thị Huệ (Hyee Phạm), nữ sinh cảm thấy mãn nguyện với phần biểu diễn vì đã được hết mình trên sân khấu. Vào năm cuối đại học, Huệ đã có cơ hội tham gia với vai trò nữ chính kết hợp với nghệ sĩ Hàn Quốc trong 2 sản phẩm âm nhạc quảng bá du lịch Việt Nam.
“Em nghĩ thế mạnh của em là hát, biết nhảy và sáng tác. Nhà trường đã trang bị và giúp chúng em phát huy thế mạnh, để khi ra đời chúng em có thể làm nghề chuyên nghiệp và thuận lợi hơn”.
Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp đặc biệt này, sinh viên phải tự chuẩn bị phục trang, dựng vũ đạo, thuê đạo cụ biểu diễn, chuẩn bị hình ảnh visual… đầy đủ và chuyên nghiệp như của một nghệ sĩ thực thụ. Chi phí mỗi sinh viên tự chuẩn bị khoảng 20 triệu đồng.
PGS.TS Trần Ngọc Lan kỳ vọng, kỳ thi tốt nghiệp này sẽ là bước tiến mới trong việc thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật và tạo ra những gương mặt nghệ sĩ tiềm năng.