Được phép chuyển ngành, chuyển trường
Theo quy chế mới này, sinh viên được xem xét chuyển ngành, chuyển sang một phân hiệu khác của trường (hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính) hoặc chuyển cơ sở đào tạo nếu không đang là sinh viên năm thứ nhất hoặc năm cuối, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập.
Mặt khác, sinh viên này phải đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo của phân hiệu hoặc trụ sở chính trong cùng khóa tuyển sinh hoặc ngành đào tạo cùng khóa tuyển sinh tại nơi chuyển đến.
Cơ sở đào tạo, phân hiệu hoặc trụ sở chính hay nơi chuyển đến phải có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Sinh viên cũng cần được sự đồng ý của người đứng đầu các đơn vị chuyên môn phụ trách chương trình, ngành đào tạo, người phụ trách phân hiệu hoặc của hiệu trưởng cơ sở đào tạo nơi chuyển đi và chuyển đến.
Được đăng ký một số học phần tại cơ sở đào tạo khác
Quy chế đào tạo này lần đầu tiên đưa hoạt động “trao đổi sinh viên” vào quy định. Theo đó, các cơ sở đào tạo được công nhận lẫn nhau về quy trình đào tạo, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ, làm căn cứ cho phép sinh viên của cơ sở đào tạo này được học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác và ngược lại (trao đổi sinh viên).
Trên cơ sở đánh giá và công nhận lẫn nhau, sinh viên của cơ sở đào tạo này có thể đăng ký thực hiện học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác nếu được hiệu trưởng của hai cơ sở đồng ý với số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy tại cơ sở đào tạo khác không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.
Học cùng lúc hai chương trình
Đối với phương thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên có thể đăng ký học thêm các học phần của một chương trình khác, ngành khác khi điều kiện của cơ sở đào tạo cho phép, nhưng chỉ được hưởng các quyền lợi chính thức và được xem xét công nhận tốt nghiệp chương trình thứ hai khi đã đăng ký thành công học chương trình thứ hai theo quy định.
Sinh viên được đăng ký học chương trình thứ hai sớm nhất khi đã được xếp trình độ năm thứ hai của chương trình thứ nhất. Tại thời điểm đăng ký, sinh viên phải đáp ứng 1 trong 2 điều kiện là có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh; hoặc học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại trung bình và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.
Trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình tích luỹ của chương trình thứ nhất đạt dưới điểm trung bình hoặc thuộc diện cảnh báo kết quả học tập thì phải dừng học chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo. Sinh viên cũng sẽ bị loại khỏi danh sách đã đăng ký học chương trình thứ hai.
Thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất. Khi học chương trình thứ hai, sinh viên được công nhận kết quả của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất.
Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất và đã đăng ký muộn nhất 2 năm trước thời điểm xét tốt nghiệp chương trình thứ hai.
Thúy Nga
Hiệu trưởng kiến nghị giảm bớt tín chỉ an ninh quốc phòng, lý luận chính trị
Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam đề xuất giảm bớt số lượng tín chỉ các môn An ninh Quốc phòng và Lý luận chính trị.