Ý tưởng thiết bị phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu do nhóm 3 sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM khởi xướng dành cho những người khiếm thính đã giành giải Nhất cuộc thi Accessibility Design Competition 2022 (ADC).
Ra mắt lần đầu vào năm 2020, ADC 2022 được tổ chức bởi phòng Hướng nghiệp, Cựu sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp RMIT Việt Nam, với sự hợp tác của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP.HCM, Bộ phận Chăm sóc sức khỏe và tâm lý RMIT Việt Nam và Câu lạc bộ Phát triển nguồn nhân lực của sinh viên RMIT Việt Nam.
Cuộc thi đem đến sân chơi cho sinh viên các trường đại học khác tại Việt Nam để các bạn có thể áp dụng kiến thức kinh doanh và thiết kế thiết thực vào các vấn đề trong cuộc sống.
Các đội chiến thắng nhận giải thưởng tại vòng chung kết cuộc thi Accessibility Design Competition 2022. |
Trong 2 tháng, cuộc thi đã thu hút 74 ý tưởng và giải pháp sáng tạo thúc đẩy sự hòa nhập và xóa bỏ rào cản đối với người khuyết tật. Người tham dự có cơ hội tham gia một loạt hội thảo và các buổi cố vấn nhằm bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên từ khâu lên ý tưởng đến thiết kế/tạo sản phẩm mẫu.
Đội thắng cuộc HDK đã nghiên cứu và phát triển thiết bị với hai tính năng chính gồm dịch ngôn ngữ ký hiệu sang giọng nói và hiển thị thông tin giọng nói từ bên thứ ba.
So với các thiết bị khác trên thị trường, một thành viên trong nhóm - Hồ Khánh Duy cho biết sản phẩm của các bạn có thể hoạt động tốt trong mọi điều kiện và độ chính xác lên đến 92%.
“Giải pháp của chúng tôi là sử dụng phương pháp theo dõi bàn tay từ camera hồng ngoại, được cắm vào điện thoại thông minh. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ mở ra một hướng tiếp cận dễ dàng cho những người sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để họ có thể giao tiếp trực tiếp với những người không biết loại ngôn ngữ này", sinh viên Hồ Khánh Duy chia sẻ thêm.
Ý tưởng thiết bị phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu của đội sinh viên HDK đã giành giải Nhất cuộc thi. |
Giải Nhì và Ba cuộc thi ADC năm nay lần lượt thuộc về đội KINTSUGI và HTV3, gồm những sinh viên từ cơ sở Nam Sài Gòn của Đại học RMIT.
Nhóm KINTSUGI đã đề xuất một ứng dụng hỗ trợ ghi chú độc lập có thể điều chỉnh có tên gọi Accesstant, còn đội HTV3 đưa ra giải pháp xây dựng chương trình phát triển tài năng giúp cải thiện thu nhập cho những người mắc chứng Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Sáng kiến của KINTSUGI đang được nhà tài trợ cuộc thi - Sofitel Saigon Plaza đưa vào thực hiện.
Vòng cuối cùng nhận được sự đánh giá từ Ban giám khảo trong nước và quốc tế đến từ các công ty và tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu.
Bà Vũ Thị Quyên, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc We-Edit Việt Nam - một môi trường làm việc dễ tiếp cận đem đến cơ hội việc làm bình đẳng cho những người trẻ bị khiếm khuyết, đã bày tỏ sự trân trọng đối với những người tham gia cuộc thi vì các giải pháp mang tính xây dựng, cũng như phần trình bày xuất sắc và sự nỗ lực.
Ông Melvin Fernando, Trưởng bộ phận Việc làm và Quan hệ doanh nghiệp và cũng là người khởi xướng cuộc thi, khen ngợi những ý tưởng thiết thực mà tất cả các đội đề xuất: "Tất cả các ý tưởng tham gia đều giải quyết 1 trong 4 rào cản làm việc đối với người khuyết tật bao gồm rào cản về thái độ, rào cản về mặt thể chất, rào cản về công nghệ/truyền thông, và rào cản về học tập và giáo dục trực tuyến".
“Mục tiêu cuối cùng của ADC là thúc đẩy tinh thần hòa nhập tại nơi làm việc cho tất cả mọi người và những cơ hội việc làm bình đẳng sáng tạo”, ông Melvin Fernando nhấn mạnh.
Vân Anh
Gần 800 sinh viên Bách khoa Hà Nội tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo
Từ ngày 14/6 đến ngày 24/6, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia một loạt các hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tạo, góp phần khơi nguồn tinh thần nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp ở sinh viên.