- Tôi tin tưởng một người bạn ở nước ngoài nên đã chuyển cho người đó 30 triệu đồng để mua chiếc điện thoại Iphone 7 Plus chính hãng. Nhưng khi nhận được hàng, tôi phát hiện ra đó là hàng giả của Trung Quốc, có giá chỉ 2 triệu đồng. 

Vậy tôi có thể làm đơn kiện người này được không? Vì tội danh gì? Người này đang bên Mỹ khoảng 2 tháng nữa sẽ về nước thì tôi có kiện được không? Nộp đơn kiện cho cơ quan nào, thủ tục ra sao?

{keywords}
Tôi bị lừa mua phải điện thoại nhái (Ảnh minh họa)

Bạn không nêu rõ việc nhờ mua có cụ thể thỏa thuận gì về chủng loại xuất xứ không. Nếu chỉ thỏa thuận chung chung là iPhone 7 Plus thì cần cung cấp hoá đơn mua hàng. Nếu người mua không thực hiện đúng thì bạn yêu cầu thực hiện lại hoặc bồi thường. Trong trường hợp bạn đưa tiền cho người bạn mua iphone 7 plus được thực hiện thông qua hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền theo Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:

“Điều 581. Hợp đồng ủy quyền.

Hợp đồng ủy quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 582. Thời hạn ủy quyền

Thời hạn ủy quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Điều 584. Nghĩa vụ của bên được ủy quyền

Bên được ủy quyền có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó;

2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền;

3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền;

4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền;

5. Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;

6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Điều 585. Quyền của bên được ủy quyền

Bên được ủy quyền có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền;

2. Hưởng thù lao, được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền.

Điều 586. Nghĩa vụ của bên ủy quyền

Bên ủy quyền có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc;

2. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền;

3. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền và trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thoả thuận về việc trả thù lao.

Điều 587. Quyền của bên ủy quyền

Bên ủy quyền có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền;

2. Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, nếu không có thoả thuận khác;

3. Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 584 của Bộ luật này.”

Như vậy, trong trường hợp có hợp đồng ủy quyền thì khi đó bạn mới có căn cứ để yêu cầu người được ủy quyền giao lại tài sản.

Nếu trong trường hợp, thời điểm bạn đưa tiền cho người bạn nhờ thực hiện một công việc không có hợp đồng ủy quyền hoặc không có giấy viết tay hay bất kỳ một chứng cứ nào khác thì trường hợp này sẽ rất bất lợi cho bạn. Do vậy, trong trường hợp này, để đòi lại quyền lợi cho mình, bạn cần phải thu thập chứng cứ chứng minh.

Điều 430 Bộ luật Dân sự quy định về chất lượng của vật mua bán như sau:

“Điều 430. Chất lượng của vật mua bán

1. Chất lượng của vật mua bán do các bên thoả thuận.

2. Trong trường hợp chất lượng của vật đã được công bố hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì chất lượng của vật được xác định theo các tiêu chuẩn đã công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Khi các bên không có thoả thuận và pháp luật không có quy định về chất lượng thì chất lượng của vật mua bán được xác định theo mục đích sử dụng và chất lượng trung bình của vật cùng loại.”

Trong trường hợp trên, hành vi mua bán hàng là giao dịch dân sự nên khi bên bán không thực hiện đúng thỏa thuận thì chờ bạn kia về nước, bạn có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyết.Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2014 thì bạn sẽ nộp đơn khởi kiện tại tòa án cấp quận, huyện nơi bị đơn tức là người bán hàng đang cư trú. Theo khoản 5 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2014 khi khởi kiện bạn phải gửi kèm theo đơn khởi kiện những chứng cứ chứng minh ban đầu như giấy tờ việc chuyển khoản, biên nhận từ nhân viên chuyển bưu điện...để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc