Cùng “gỡ khó” khi bồi dưỡng chương trình mới
Tại trường Tiểu học Dân Tiến (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), cứ đều đặn 2 tuần/lần là các tổ chuyên môn lại tổ chức sinh hoạt; ở cấp trường là 1 tháng/lần. Nếu có bất thường hoặc vấn đề “nóng” phát sinh trong quá trình dạy học, tổ chuyên môn sẽ họp để trao đổi, thống nhất cách giải quyết.
Hoạt động này diễn ra nhiều năm qua và đặc biệt được đẩy mạnh từ năm học 2019 - 2020 khi chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) bắt đầu được triển khai ở lớp 1 và tịnh tiến những năm tiếp theo tổ chức cho các lớp 2, 3, 4, 5.
Tại các buổi sinh hoạt chuyên môn này, những nội dung tìm hiểu về CT GDPT 2018, bao gồm cả chương trình tổng thể và chương trình môn học/hoạt động giáo dục theo chuyên môn giảng dạy của từng tổ, được đưa ra trao đổi, thảo luận.
Khi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, các thành viên sẽ cùng thiết kế bài học minh hoạ, tổ chức dạy học và dự giờ, phân tích tác động của lời giảng, các câu hỏi, nhiệm vụ học tập mà giáo viên đưa ra cho học sinh trong bài giảng minh hoạ.
Từ kết quả phân tích bài học đó và những điều đã quan sát, học tập được qua dự giờ, thầy cô sẽ rút ra những kinh nghiệm để chủ động, sáng tạo áp dụng vào các bài học hàng ngày cho hiệu quả hơn với học sinh lớp mình.
Theo cô giáo Hoàng Thị Hoa Chinh (trường Tiểu học Dân Tiến), các buổi sinh hoạt chuyên môn, đã giúp ích nhiều cho quá trình bồi dưỡng các module thực hiện CT GDPT 2018 của giáo viên, đặc biệt là đội ngũ đại trà như cô.
“Bất cứ thắc mắc nào liên quan đến CT GDPT 2018 đều được chúng tôi đưa ra trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng trong tổ chuyên môn để cùng nhau tháo gỡ. Những nội dung nào mình thấy hay, tâm đắc trong các module bồi dưỡng của Chương trình ETEP, cũng sẽ nêu ra để đồng nghiệp tìm hiểu sâu hơn”, cô giáo Chinh nói.
Đánh giá hoạt động sinh hoạt của các tổ chuyên môn trong trường, Hiệu trưởng Đào Thị Tâm cho biết các thầy cô đều tích cực tham gia. Sau mỗi buổi sinh hoạt như thế, giáo viên tự tin, vững vàng đổi mới cách dạy và kiểm tra đánh giá để phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, đáp ứng các yêu cầu của CT GDPT 2018.
Sinh hoạt chuyên môn qua video tiết dạy minh họa
Cũng giống trường Tiểu học Dân Tiến, Ban giám hiệu và cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Trần Nhân Tông (TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) đặc biệt coi trọng hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn để nâng cao năng lực đội ngũ.
Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học được duy trì đều đặn, đặc biệt là giai đoạn đầu năm học đối với lớp 1. Mỗi tuần, tổ chuyên môn sẽ tập trung xây dựng giáo án của một môn học cụ thể; giao cho giáo viên dạy thực nghiệm để từ đó rút ra quy trình dạy cũng như những ưu điểm, hạn chế của mỗi tiết dạy… Sau giai đoạn 2 tháng đi vào ổn định, sinh hoạt chuyên môn được tổ chức định kỳ 2 tuần/lần.
Bên cạnh sinh hoạt tại trường, hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường cũng được giáo viên tham gia sôi nổi.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Nhân Tông (Nam Định) - cô Hoàng Thanh Bình nói: “Toàn bộ giáo viên lớp 1 của từng cụm trường sẽ dự giờ tiết minh họa tại một điểm trường. Tiết dạy được quay video để giáo viên các trường tham khảo, học tập và rút kinh nghiệm cho bản thân.
Thông qua sinh hoạt chuyên môn, giáo viên có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm hay cũng như bày tỏ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời phát huy sức mạnh tập thể để thực hiện tốt CT GDPT mới”.
Cô Bình cũng cho biết, song song với những hoạt động trên, ban giám hiệu còn tích cực dự giờ, thăm lớp, khuyến khích phụ huynh cùng dự giờ và tương tác với con trong một số hoạt động.
Trường cũng đẩy mạnh công tác truyền thông để giáo viên, phụ huynh và cộng đồng hiểu đúng về CT GDPT mới và tin tưởng vào quá trình thực hiện của nhà trường; cũng như các giáo viên phải ý thức sâu sắc tầm quan trọng của việc tự bồi dưỡng, hỗ trợ đồng nghiệp bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay trong quá trình làm việc.
Cô Phạm Thị Yến, giáo viên trường Tiểu học Trần Nhân Tông nói: “Tôi luôn tự bồi dưỡng qua sinh hoạt chuyên môn tại trường dựa trên nghiên cứu bài học. Hoạt động này giúp giáo viên chúng tôi có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay để áp dụng vào việc giảng dạy và bồi dưỡng năng lực chuyên môn.
Tôi giờ đây đã cởi mở chia sẻ với đồng nghiệp về những vấn đề liên quan tới việc học của học sinh; biết quan sát, lắng nghe, cảm nhận trước việc học của từng học trò, chấp nhận sự khác biệt của học sinh và đồng nghiệp; nỗ lực thực hiện tốt các yêu cầu của CT GDPT 2018”.
Doãn Phong