Ngày 1/7, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp đã có cuộc làm việc với Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh và các cơ sở đào tạo nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về vấn đề giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Báo cáo về kết quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, ngoài những thành tựu, Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cũng nhìn nhận cơ cấu tuyển sinh, đào tạo nghề còn bất cập khi chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Tỷ lệ tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp trung bình hàng năm chỉ đạt 12-15%. Việc tuyển sinh ở những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, năng khiếu gặp nhiều khó khăn.
Ông Đinh Văn Duân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh, báo cáo về tình hình kết quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn với Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp |
Bên cạnh đó, chất lượng đầu vào của người học tham gia học nghề thấp, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp năng lực đào tạo còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành chưa được chú trọng đầu tư, trình độ kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu nên đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Công tác tuyển sinh ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn, nhiều năm không tuyển đủ chỉ tiêu; một số trường trung cấp chỉ tuyển sinh đào tạo hệ sơ cấp.
Công tác hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT chưa được quan tâm đúng mức, kết quả chưa cao. Nhiều địa phương quá tập trung đầu tư cho học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, tốt nghiệp THPT vào ĐH.
Cùng đó, việc liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp chưa sâu rộng.
Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh kiến nghị cần có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chính sách thu hút lực lượng lao động có tay nghề, trình độ cao đang làm việc tại các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, tham gia giảng dạy,...).
Ông Nguyễn Đức Lưu, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Hùng |
Đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Lưu, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh bày tỏ vấn đề mà nhà trường lo nhất hiện nay là thu hút, xây dựng đội ngũ nhà giáo để hướng tới mục tiêu phát triển thành trường chất lượng cao.
“Để thu hút một kỹ sư đại học về dạy nghề không phải chuyện dễ dàng. Cùng là giáo viên, nhưng giáo viên phổ thông tuyển được còn giáo viên giáo dục nghề nghiệp tuyển rất khó. Thậm chí còn bị “chảy máu”, tức có những trường hợp từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng rồi chuyển sang làm cho doanh nghiệp. Bình thường trong trường lương tính theo hệ số, trong khi đó nếu vào doanh nghiệp được trả lương hàng chục triệu đồng. Những người ở lại phải nói thực sự là trung kiên”, ông Lưu nói.
Ông Lưu cho rằng, đây là một vấn đề thực tế và kiến nghị cần phải nghiên cứu những chính sách thu hút đặc thù.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Hùng |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho rằng, cần quan tâm chế độ chính sách để thu hút và giữ chân được đội ngũ nhà giáo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
“Ngoài ra, theo quy định, chỉ cho phép hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm trong đó không có vị trí việc làm của giảng viên. Do đo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay chỉ được hợp đồng thỉnh giảng. Như vậy rất khó để phát triển ngành nghề mới, mở rộng quy mô đào tạo và tuyển dụng được giảng viên giỏi, tâm huyết với trường”, ông Huy nói.
Qua đó, vị này đề nghị Tổng cục kiến nghị với Chính phủ cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tự chủ trong việc tuyển dụng và hợp đồng lao động đối với giảng viên.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH). Ảnh: Thanh Hùng |
Kết luận cuộc họp, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cũng nhìn nhận thách thức đặt ra để thu hút được người giỏi, người tài vào trường nghề nhằm tăng chất lượng đào tạo trong bối cảnh thị trường lao động nhiều hấp dẫn.
Về đội ngũ, ông Dũng cho rằng muốn phát triển được trong bối cảnh hiện nay dứt khoát phải có cơ chế đặc thù. “Không phải dễ để thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi. Bởi thị trường đang thu hút những người tài giỏi với vị trí việc làm và mức lương hấp dẫn. Trước hết nhà trường phải đề xuất cho tỉnh như thế nào, và sau đó là đặt ra liệu Tổng Cục có thể hỗ trợ được gì trong vấn đề đào tạo bồi dưỡng đội ngũ”.
Ông Dũng cũng lưu ý các nhà trường việc quan tâm, tìm cách để tôn vinh 3 đối tượng quan trọng nhất của mình gồm người học, người dạy và doanh nghiệp hợp tác chiến lược với trường.
Về tuyển sinh và đào tạo, ông Dũng cho hay, nếu các Sở, trường giờ chỉ nghĩ đến phương diện phân luồng hướng nghiệp học sinh sau tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT vào giáo dục nghề nghiệp là chưa đủ.
“Chúng tôi đang dự kiến triển khai việc đào tạo mở và linh hoạt. Cụ thể là đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, đào tạo lại lực lượng lao động đang làm việc trên thị trường lao động. Đó mới là vấn đề lớn. Nếu các trường không xoay sang hướng này, thì tôi e rằng sẽ bị tụt hậu. Chúng ta cứ mải nhìn vào việc có bao nhiêu học viên chính quy trong nhà trường so với phổ thông, điều này vẫn cần thiết, song đào tạo cho lực lượng đang làm việc là vấn đề mà chúng ta phải chuyển đổi cả về tư duy và cách làm”.
Giải thích cho hướng đi này, ông Dũng cho hay “Bởi thị trường lao động thay đổi yêu cầu rất nhanh, do đó người lao động luôn cần được bổ sung kỹ năng”.
Ông Dũng cho rằng, nếu địa phương phát triển trường chất lượng cao và ngành nghề trọng điểm thực sự có thương hiệu, uy tín thì người học sẽ sẵn sàng vào học.
“Singapore phát triển gấp nhiều lần chúng ta nhưng tại sao 45-50% con em họ vẫn vào học nghề. Bắc Ninh có dám đầu tư để có những trường chất lượng cao có những ngành nghề thu hút được con em mình vào không. Bởi vào đại học cũng có phải 100% có việc làm ngay đâu”.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng động viên học viên Trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Hùng |
Để phát triển chung, ông Dũng cho hay địa phương cần phải tính đến xây dựng một cơ chế đặt hàng rõ ràng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. “Tỉnh cần nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội đối với những ngành nghề cụ thể gì thì cần phải đặt hàng, không phân biệt công lập hay ngoài công lập, trường thuộc trung ương hay địa phương. Trường nào có thế mạnh thì đặt hàng”.
Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp song hành cùng với các trường trong việc đào tạo.
Thanh Hùng
Tìm cách tăng đánh giá kỹ năng nghề lao động để đáp ứng cách mạng công nghệ 4.0
Sáng 25/6, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hội thảo trực tuyến báo cáo giữa kỳ thực hiện dự án Giáo dục nghề nghiệp: Thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.