Mẫu đầu kéo được nhập khẩu từ Đức để phục vụ việc chuyên chở dầm cho tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Cát Linh thu hút nhiều chú ý của dư luận những ngày qua vì những thông số đáng kinh ngạc.

Công trình được cho là trọng điểm của sự phát triển Thủ đô trong thời gian tới, 6 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) cần sự đóng góp sức người, sức của lớn và cần tới những phương tiện chuyên dụng đặc biệt. Trong đó phải kể tới mẫu đầu kéo MAN TGS 33.400 - mẫu đầu kéo được cho là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

{keywords}

MAN TGS 33.400 - mẫu đầu kéo được cho là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay

Cụ thể, để phục vụ việc vận chuyển các thanh dầm cho tuyến ĐSĐT Nhổn - Cát Linh, vốn có trọng trung bình là 145 tấn, nhà thầu đã phải sử dụng 2 mẫu đầu kéo MAN TGS 33.400 đi kèm rơ-moóc (1 đầu kéo, 1 đầu đẩy hỗ trợ) để tạo ra cỗ máy tải dài tới 45 mét và có độ rộng 5,51 mét.

Cỗ xe tải này đã lập tức gây xôn xao dư luận khi được những hình ảnh ấn tượng với tổng tổng cộng 148 bánh xe được đưa lên mạng xã hội. Trong đó, mỗi đầu kéo TGS 33.400 có 10 bánh, phần rơ-moóc có 16 trục với 8 bánh xe mỗi trục.

{keywords}

Man TGS 33.400 có 10 bánh, phần rơ-moóc có 16 trục với 8 bánh xe mỗi trục.

Không chỉ siêu trường, cỗ xe tải khổng lồ này còn là một mẫu xe siêu trọng với tổng khối lượng lên tới 84 tấn bao gồm phần rơ-moóc (trailer) nặng 60 tấn, 2 đầu kéo mỗi đầu 8 tấn và 2 đối trọng đặt ở trục sau đầu kéo nặng 8 tấn. Khi chở dầm ĐSĐT, cỗ xe này tạo ra một khối lượng hơn 229 tấn lên mặt đường.

{keywords}

Phần rơ-moóc có 16 trục với 8 bánh xe mỗi trục.

Để di chuyển một khối lượng khổng lồ như thế này, mỗi đầu kéo MAN TGS 33.400 này được trang bị khối động cơ dầu tăng áp 6 xi-lanh dung tích 10,518 lít, sản sinh ra 400 mã lực tại vòng tua 1.600 - 1.800 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại đạt 1.900 Nm tại 1.000 - 1.400 vòng tua/phút. Chỉ riêng bộ nén khí cho động cơ này cũng đã có xi-lanh đơn với dung tích 360 cc, tương đương với một động cơ xe máy phân khối lớn cỡ nhỏ.

Sức mạnh của mẫu đầu kéo được truyền xuống hệ dẫn động 6x4 thông qua hộp số sàn với tổng cộng 18 số, trong đó bao gồm 16 số tiến và 2 số lùi. Để đảm bảo người lái có thể vận hành chính xác với hộp số quá nhiều cấp như này, nhà sản xuất cũng cung cấp một thiết bị ngăn không cho tài xế vào nhầm số.

{keywords}

Cần số của Man TGS 33.400

Trên thực tế, cần số sẽ chỉ có 5 khe, tương ứng với 9 cấp. Trong đó, để vào số ở "tầng trên", trước khi chuyển số người lái cần ấn một nút đặc biệt. Đồng thời, mỗi cấp tương ứng sẽ có 2 chế độ "thỏ" và "rùa". 2 chế độ này cũng được tài xế chọn qua một nút bấm cạnh cần số.

Chế độ "thỏ" thực tế là một số trung gian. Tức là số 4 "thỏ" sẽ nhanh hơn 4 "rùa" nhưng chậm hơn số 5 "rùa". Do đó, thực tế, hộp số ZF 16S252OD của mẫu đầu kéo MAN TGS 33.400 có tới 18 cấp - gấp đôi những mẫu xe sang đắt tiền và hiện đại hàng đầu hiện nay như Mercedes GLE Coupe AMG của thương hiệu "ngôi sao ba cánh".

Đi cùng với động cơ và hộp số ấn tượng, TGS 33.400 cũng có vô-lăng đặc biệt với 4,8 vòng quay, thay vì 2,5 hay 2,7 vòng quay như những mẫu xe hơi thông thường. Đặc biệt, khi đã kết nối với trailer, hệ thống lái cho phép người lái quay được cả bánh xe ở mô-đun phía sau.

Khối động cơ với 400 mã lực và mô-men xoắn lên tới 1.900 Nm giúp đầu kéo này có sức kéo lên tới 130 tấn, vận tốc tối đa 110 km/h. TGS 33.400 cũng được trang bị một hệ thống phanh ABS tiên tiến với khả năng tự động điều chỉnh áp lực phanh trên từng bánh xe. Ngay cả khi kết nối tới trailer, toàn bộ hệ thống phanh trên cả 148 bánh xe vẫn được kết nối với hệ thống điện tử trung tâm để có lực phanh thích hợp với mỗi bánh xe.

Đương nhiên, bộ lốp cũng "không phải dạng vừa" với kích thước 315/80R22.5. Theo lái xe cho biết, chỉ riêng tiền thay 148 bánh xe cũng đủ để mua một chiếc sedan hạng C với giá của mỗi quả lốp tiêu chuẩn là 6 triệu đồng.

Với bình nhiên liệu 400 lít và trong điều kiện tải "nhẹ", mẫu đầu kéo này di chuyển được khoảng 1.200 km với mức tiêu hao nhiên liệu trung bình khoảng 33,6 lít dầu cho 100 km.

{keywords}

Mức tiêu hao nhiên liệu trung bình khoảng 33,6 lít dầu cho 100 km.

Hiện tại, mẫu "siêu xe tải" này đang ở nhà máy đúc dầm tại Hà Nam để chờ di chuyển những thanh dầm đầu tiên của tuyến Nhổn - Cát Linh về Hà Nội. Và với kích thước khổng lồ, việc di chuyển của cả cơ cấu dài 40 mét bắt buộc phải có lực lượng chức năng dẫn đoàn và hộ tống.

Bề rộng lên tới 5,51 mét, tức là lớn hơn cả làn quá khổ của đảo thu phí (rộng 4,5 mét) cũng là một thách thức không nhỏ cho việc di chuyển của siêu xe tải. Hiện tại, con đường để di chuyển những thanh dầm 145 tấn là từ Hà Nam di chuyển qua cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình rồi chuyển tiếp tới Pháp Vân - Cầu Giẽ để về Hà Nội. Có nhiều khả năng sẽ phải tiến hành "tháo dỡ" một phần trạm thu phí để chiếc siêu xe tải đi qua.

Ngoài lực lượng chức năng, đội phụ xe hỗ trợ siêu xe tải mỗi khi gặp đường khó lên tới 20 người. Dự kiến, để vận chuyển hết 560 thanh dầm cho tuyến ĐSĐT Nhổn - Cát Linh, chi phí dẫn đường của siêu xe tải sẽ ngốn tới 20 tỉ đồng.

(Theo Trí Thức Trẻ)