“Siêu thị” game - Xu hướng kinh doanh game mới
Trong 6 tháng tới, sẽ có 4 trung tâm game theo mô hình Cybergame sẽ ra đời đáp ứng nhu cầu người chơi game ở Hà Nội.
Từ “Siêu thị” game...
600m2, 200 dàn máy tính cấu hình cao và một không gian được thiết kế “rất game”, Cybergame của NetViet ở Hoàng Cầu hiện đang được đánh giá là một trung tâm game hiện đại nhất Hà Nội hiện nay. Cybergame được đặt trên tầng 3 của sân vận động Hoàng Cầu, dẫu chưa sánh được với các centre game của các nước có ngành công nghiệp game phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc... nhưng Cybergame đã thực sự là một môi trường game lý tưởng cho các game thủ bởi không gian rộng rãi (2,5m2 diện tích tối thiểu cho mỗi người chơi), đánh bật những “quán game”, “quán chát” với diện tích nhỏ hẹp, điều kiện chơi còn nhiều hạn chế.
“Siêu thị” game chính là nơi “các nhà cung cấp game và người chơi gặp được nhau” - ông Nguyễn Duy Cường, Giám đốc Công ty cổ phần giải trí NetViet cho biết. “Chúng tôi cung cấp phần hạ tầng cho các nhà cung cấp game, cung cấp thiết bị... và người chơi. Nó gần như là làm dịch vụ cho các game thủ thuê máy. Hà Nội hiện có 1.600 điểm chơi game với trung bình 20 PC/điểm thu hút khoảng hơn 500 nghìn người chơi game trả phí. Tính trung bình, mỗi người khi chơi game phải chi trả khoảng 800 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng, trong đó nhà cung cấp sẽ thu được 1/6 đến 1/8 số tiền này. Trong khi người ta xây dựng “chợ” “chợ cóc”, “chợ tạm” thì chúng tôi sẽ xây dựng các “siêu thị” để người chơi game Việt Nam có cơ hội được tận dụng không khí game thực sự ” - ông Cường thổ lộ.
Theo kế hoạch, đến giữa năm 2007, NetViet sẽ triển khai 4 trung tâm game với mô hình như Cybergame ở quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng với hi vọng là sẽ bùng nổ ngành công nghiệp game còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Khẳng định đây là trung tâm hiện đại nhất chứ không phải lớn nhất, ông Cường phân tích: Hiện có nhiều trung tâm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có số lượng máy lớn trên vài trăm máy, bởi xu hướng kinh doanh game, lập “chợ” game theo mô hình hiện đại đang được các nhà kinh doanh game tính toán đến. Song NetViet sẽ tập trung xây dựng các trung tâm game đạt tiêu chuẩn “siêu thị” để người chơi game không chỉ được chơi mà còn được tham gia nhiều hoạt động của cộng đồng người chơi trong nước và quốc tế. Trong đó các game thủ có hẳn một sàn giao dịch vật phẩm game online Market4Gamer để trao đổi.
... đến các giải đấu chuyên nghiệp.
Người chơi game được phân ra hai dòng. Dòng thứ nhất người chơi nhập vai vào nhân vật trong game và nâng cao kỹ năng của nhân vật. Dòng thứ hai là nâng cao kỹ năng của người chơi. Dòng game thứ hai này mang tính thể thao và cũng là dòng game được cộng đồng người chơi tham gia đông đảo. Chính vì thế, cộng đồng người chơi game trong và ngoài nước đã tổ chức, tham gia nhiều giải đấu chuyên nghiệp lẫn không chuyên để tìm kiếm những game thủ có những kỹ năng xuất sắc nhất. Đáp ứng nhu cầu của người chơi hame, nhiều giải game trong nước đã được tổ chức như Mobile Game, Gunbound Việt Nam. Nhiều game thủ đã tham gia các giải game quốc tế đạt giải cao Nguyễn Thanh Tuấn, Đoàn Thanh Nhã (TP.HCM) và Đỗ Minh Tiến (Hà Nội) đã đoạt chức vô địch giải game Gunbound thế giới GrandPrix 2006.
Nhân sự kiện khai trương Cybergame, NetViet cũng đã triển khai giải "Vô địch thể thao điện tử Việt Nam" lần thứ nhất (VietNam eSport Championship-VESC). Tại vòng loại VECS vừa qua 250 game thủ đã tham gia thi đấu, 26 game thủ đã được chọn tham dự vòng chung kết tại TP. HCM vào ngày 17 tới .
Tuy còn những khó khăn và những bức xúc về đường truyền, ngay cả khi dịch vụ FTTH truy nhập Internet bằng cáp quang của FPT được cung cấp song các nhà cung cấp sân chơi cho ngành công nghiệp game vẫn hi vọng vào sự bùng nổ trong năm tới với mỗi chuỗi siêu thị game sẽ được triển khai.
Thiên Tùng