Kế hoạch của Apple nhằm tạo ra một chiếc iPhone với màn hình hoàn toàn không viền được cho là đang gặp phải những thách thức kỹ thuật đáng kể. Một báo cáo mới cho biết công nghệ này chưa thể sẵn sàng vào năm 2026 như kỳ vọng trước đó.

iPhone tran vien.png
Mẫu iPhone không viền màn hình. Ảnh: X/IceUniverse

Có vẻ như Apple đã theo đuổi mục tiêu thu nhỏ viền màn hình iPhone trong nhiều năm qua, cho đến khi nó hoàn toàn biến mất. 

Tuy nhiên, chiếc iPhone không viền đầu tiên có vẻ vẫn còn mất vài năm nữa mới có thể ra mắt. Theo trang tin The Elec, Apple đã hợp tác với Samsung Display và LG Display để phát triển công nghệ màn hình mang tính cách mạng này, nhưng quá trình phát triển vẫn gặp không ít trở ngại.

Tầm nhìn của Apple được cho là khác biệt đáng kể so với các màn hình cong hiện tại, chẳng hạn như các thiết kế từng được sử dụng trên smartphone Samsung hoặc màn hình "thác đổ bốn cạnh" (quad-curved waterfall display) trong concept của Xiaomi. 

Video concept smartphone màn hình "thác đổ bốn cạnh" của Xiaomi. Nguồn: Xiaomi

Trong một chia sẻ với trang The Verge, đại diện Xiaomi cho biết chiếc smartphone này là sự đột phá trong công nghệ chế tác mặt kính cong. Chính vì màn hình tràn ra toàn bộ phần khung viền nên concept của Xiaomi sẽ hoàn toàn không có nút cứng vật lý. 

Trong khi đó, Táo khuyết đang tập trung vào việc tránh hiệu ứng "kính lúp" thường xuất hiện trên các cạnh màn hình cong, một vấn đề đã thấy trên một số mẫu smartphone.

Thiết kế "không viền" độc đáo

Trái ngược với các thiết kế điện thoại màn hình cong thông thường, Apple được cho là đang hướng tới một thiết kế độc đáo, duy trì màn hình phẳng đặc trưng của iPhone cùng các cạnh vuông vức, đồng thời mở rộng màn hình liền mạch qua các cạnh bên. 

Thiết kế này được cho là tương tự với Apple Watch hiện tại. Một số người trong ngành thậm chí mô tả kiểu dáng này như một "viên sỏi" liền mạch.

Những thách thức kỹ thuật lớn

Tuy nhiên, các thách thức kỹ thuật vẫn còn rất lớn. Cả Samsung Display và LG Display đều cần phải điều chỉnh hai công nghệ hiện có để đáp ứng yêu cầu của Apple, bao gồm: Công nghệ đóng gói màng mỏng (TFE) nhằm bảo vệ màn hình OLED khỏi hư hại từ môi trường; và công nghệ keo quang học trong suốt (OCA) để kết dính các lớp phim trong suốt quanh các cạnh cong, nhằm đảm bảo độ bền cho thiết kế cong.

Ngoài ra, các nhà cung cấp cũng phải đảm bảo đủ không gian cho các linh kiện của iPhone như ăng-ten...

Việc phát triển công nghệ OCA được cho là gặp rất nhiều khó khăn, vì các giải pháp hiện tại vẫn gặp vấn đề với hiện tượng méo hình khi nhìn từ bên cạnh. Các kỹ sư cũng chưa giải quyết được mối lo ngại về hư hại do va đập đối với thiết kế màn hình bao quanh cạnh.

Khả năng trì hoãn kế hoạch

Apple đã lên kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt để kịp thời trang bị màn hình này trên iPhone 18, ra mắt vào năm 2026. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất màn hình lẽ ra phải được hoàn tất từ bây giờ. 

Thế nhưng, theo các nguồn tin trong ngành, các cuộc thảo luận này vẫn đang diễn ra, cho thấy khả năng công nghệ "không viền" sẽ không kịp ra mắt trên iPhone theo đúng lịch trình và có thể bị hoãn sang các năm sau.

Trước thế hệ iPhone 18, Apple sẽ thực hiện những thay đổi đáng kể với dòng iPhone 17 ra mắt năm sau, theo nhà phân tích Jeff Pu của hãng Haitong International Securities. Ông Pu cho biết Apple sẽ thay thế mẫu iPhone Plus bằng iPhone Slim (hay iPhone Air), nghĩa là dòng smartphone của Táo khuyết năm 2025 sẽ bao gồm iPhone 17, iPhone 17 Slim, iPhone 17 Pro và iPhone 17 Pro Max.