Để khắc phục hậu quả vụ án, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành đồng ý để lại 26% cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư MHD Hà Nội, tương đương khoảng 75 tỷ đồng.
Ngày 26/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến 3 ngân hàng NCB, Việt Á, PVcombank.
Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành cùng 12 bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ba ngân hàng là bị hại cũng có đơn kháng cáo đề nghị xem xét phần dân sự.
Ngoài ra, một số cá nhân gửi tiết kiệm tại các ngân hàng trên không được tòa sơ thẩm tuyên trả lại các sổ tiết kiệm có giá trị hàng trăm tỷ đồng cũng có đơn kháng cáo về phần dân sự.
Tại tòa, bị cáo Lê Thị Hiên (giao dịch viên VietABank) rút đơn kháng cáo nên được HĐXX cho về.
Trong khi đó, "siêu lừa" Hà Thành thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo khai lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là để có thể làm việc trả nợ cho những người mà mình đã vay tiền. Bị cáo bày tỏ sự ăn năn của bản thân khi vì mình mà mọi người phải đứng trước phiên toà.
Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bị bệnh, phải nuôi dưỡng mẹ già và con nhỏ. Để khắc phục hậu quả vụ án, bị cáo đồng ý để lại 26% cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư MHD Hà Nội, tương đương khoảng 75 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) xác nhận việc bị cáo Hà Thành có 26% cổ phần tại công ty MHD (từ thời điểm 2018) và Ngân hàng Việt Á đang phong tỏa. Phần này nội dung bản án sơ thẩm chưa nêu nhưng trong hợp đồng thế chấp của bị cáo có nêu nội dung này.
Đại diện của Ngân hàng Việt Á cho biết, hiện tại số cổ phần này đứng tên bị cáo Nguyễn Thanh Tùng, nếu HĐXX làm rõ đây là tài sản của Hà Thành, ngân hàng sẽ chấp nhận khấu trừ cho Hà Thành.
Trước đó, bị cáo Hà Thành bị tuyên phạt mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Thành bị cáo buộc đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và 5 cá nhân.
Bị cáo Hà Thành bị buộc khắc phục hậu quả hơn 433 tỷ đồng đã gây ra. Đến nay, bị cáo không có khả năng khắc phục do đã sử dụng tiền để trả lãi vay ngoài, tất toán các khoản vay khác tại ngân hàng và mua cổ phần hoặc chi tiêu cá nhân.
Cho rằng, mức án tù chung thân với mình là quá nặng, bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, ở Hà Nội) đã gây ra 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng. Do kinh doanh thua lỗ, “siêu lừa” đã nợ khoảng 80 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 đến 2018, Nguyễn Thị Hà Thành dùng chiêu vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin và cũng trở thành khách VIP của các ngân hàng.
Nguyễn Thị Hà Thành đã câu kết với 17 người là cựu cán bộ, nhân viên NCB, VAB và PVCombank để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa mình với các “đại gia”, hứa hẹn trả lãi ngoài cao. Sau đó, Thành giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu để cầm cố sổ tiết kiệm và được các ngân hàng giải ngân.
Các cựu cán bộ ngân hàng đã giúp Nguyễn Thị Hà Thành hợp thức hồ sơ, soạn hợp đồng tiền gửi trái quy định. Họ bỏ qua nhiều bước xác minh như không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo, lập tờ trình cấp tín dụng dù hồ sơ giả mạo, chưa qua thẩm định..., qua đó giúp Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền bằng tài sản của người khác.
Tổng cộng, bà Nguyễn Thị Hà Thành đã chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, PVComBank 49,4 tỷ đồng, VAB hơn 273 tỷ đồng và của 4 cá nhân khác 63 tỷ đồng.
Thực hiện hành vi phạm tội, bà Thành vay tiền của ông Đặng Nghĩa T. bằng hình thức yêu cầu người này gửi tiền vào NCB qua 4 sổ tiết kiệm. Thành giữ các sổ này. Bị cáo dùng sổ tiết kiệm và giả chữ ký của vợ chồng ông T. trong các hồ sơ để vay NCB 47,5 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành vay của ông Đặng Nghĩa T. 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông này gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng PVcomBank. Thành dùng các sổ tiết kiệm này vay gần 50 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng Việt Á, bà Thành cũng nhờ ông T. và nhiều người khác gửi tiền. Cán bộ ngân hàng đã giúp bị cáo lập hợp đồng tiền gửi trái quy định đưa cho những người này làm tin, sau đó lập sổ tiết kiệm đưa cho bị cáo Thành.
"Siêu lừa" dùng các sổ tiết kiệm này làm tài sản đảm bảo, vay và chiếm đoạt 273 tỷ đồng của ngân hàng và 63 tỷ đồng của nhiều người khác. Ngoài ra, Nguyễn Thị Hà Thành còn vay nặng lãi một số người.
Trong số những người có đơn kháng cáo có cả vợ chồng ông T.