Vấn đề ở đây là phải có thiết kế đô thị, nước ta có đề cập nhưng rất hời hợt, thực tế không đi vào cuộc sống.

Bất cập trong quy hoạch nội đô

Tại buổi gặp mặt ngày 11/6, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc Việt Nam khẳng định: "Hà Nội đang gặp khó trong kiểm soát sự phát triển của Thành phố, có nhiều nguy cơ phá vỡ kiến trúc bởi những siêu dự án".

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 15/6, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Đây là dự báo cho việc cấp phép xây dựng công trình mới vào khu đô thị hiện có, còn xây ở khu đô thị mới lại là chuyện khác, một nhược điểm về mặt pháp luật, cũng như trong quy hoạch của chúng ta.

Chúng ta chỉ coi trọng việc phát triển các khu đô thị mới, chưa coi trọng việc cải tạo các khu đô thị cũ, một công việc khó hơn rất nhiều so với việc xây dựng khu đô thị mới. Ví dụ như Luật quy hoạch đô thị của Đài Loan (Trung Quốc) có 2 phần, một phần là phát triển khu đô thị mới, một phần là cải tạo khu đô thị cũ nói rất chi tiết.

Còn Luật quy hoạch đô thị của chúng ta thì cứ chỗ nào đất trống thì xây, không liên quan đến quy hoạch chung, đó là nhược điểm vô cùng lớn".

Nói riêng về Hà Nội, theo ông Liêm, bản thân ông biết, khi cho xây dựng một tòa cao ốc nào đó trong khu vực đều phải theo quy hoạch. Mà theo quy hoạch là không cho làm lan man, không phải cứ thừa chút đất nào thì lại xây dựng vào, đó không phải là quy hoạch.

{keywords}

Siêu dự án phá vỡ quy hoạch kiến trúc Hà Nội. Ảnh minh họa

Ông Liêm dẫn chứng, năm 2008, để chống ùn tắc giao thông trong đô thị, Chính phủ đã ra một quyết định là chuyển các nhà máy, bệnh viện, trường học ra ngoài thành phố, để bớt căng thẳng trong giờ cao điểm. Thế nhưng, sau một thời gian lại mọc ra đô thị mới toanh, còn nhộn nhịp đầy đủ hơn trước, như khu một khu đô thị được hình thành lên sau khi phá nhà máy cơ khí Hà Nội.

Sắp tới đây một số cơ quan Bộ, ngành chuyển đi không còn nhu cầu hoạt động, có khi lại bán tiếp đất cho các đơn vị đầu tư nào đó, xây dựng hàng loạt các công trình khác. Nghĩa là, chúng ta không có quy hoạch nào, xảy ra ở đâu ứng phó ở đấy, rồi lại cho xây dựng lên và nói là theo quy hoạch.

"Nói chung cải tạo một ô phố, giới hạn bằng 4 đường phố xung quanh là tạo cả không gian cho khu vực, chứ không phải 1 vài ngôi nhà. Còn ô phố đấy có nhiều công trình di sản cần giữ gìn, nếu có thay đổi, thì lúc bấy giờ phải làm thiết kế đô thị, chứ không chỉ là quy hoạch.

Thiết kế đô thị là thiết kế quần thể kiến trúc, làm sao cho kiến trúc hài hòa với nhau, chứ không phải thiết kế một ngôi nhà, một công trình, nếu tách ra thì nhà rất đẹp, nhưng đặt trong một quần thể thì không đẹp.

Thành ra vấn đề ở đây là phải có thiết kế đô thị, nước ta có đề cập nhưng rất hời hợt, thực tế không đi vào cuộc sống", ông Liêm chỉ rõ.

Mặt khác, theo ông Liêm, thành phố cấp đất mới cho đơn vị nào, cũng phải thu hồi đất cũ thì mới làm quy hoạch, mới bố trí được. Đằng này cấp đất mới nhưng lại cho doanh nghiệp bán đất cũ cho một nhà kinh doanh bất động sản, rồi chạy theo sau hợp thức hóa phê chuẩn.

Như vậy có khác nào các dự án lập ra quy hoạch, từ đó dẫn đến ngập lụt, ùn tắc giao thông đô thị.

"Tôi nói vì Hà Nội của tôi"

Cũng đưa ra quan điểm về thông tin trên, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, phải phân ra trong Hà Nội có khu đô thị trung tâm, khu đô thị lịch sử, vùng phát triển, vùng mở rộng, mỗi vùng phải có quy định, chỉ tiêu mật độ khác nhau.

Hơn nữa, có quy chế cao tầng, Hà Nội đang xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn khu vực nội đô, dự án nào cũng phải xem xét, đối chiếu với quy định đó.

Quy hoạch khu chung cư không phải 1500 khu đều là nhà cao tầng, mà còn tùy thuộc quy hoạch, trong đó đảm bảo dân số, giữ nguyên mật độ. Chính vì thế, trước cảnh báo thủ đô bị phá vỡ kiến trúc bởi các siêu dự án, Hà Nội cần hoàn thiện nhanh quy chuẩn nội đô càng sớm, càng tốt.

Trao đổi thêm với Đất Việt về ý kiến của mình KTS Nguyễn Tấn Vạn nói thêm: "Tôi nói thực trạng này ra cũng vì Hà Nội của tôi".

Về biện pháp để hạn chế và xử lý thực trạng trên, ông Vạn cho hay: "Tất cả các dự án đều phải quản lý chặt theo quy hoạch, không cho xây thêm các công trình ngoài luồng quy hoạch, cần có mối quan hệ ràng buộc.

Đừng để các dự án tự điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến kiến trúc bị phá vỡ, nên phải kiểm soát chặt chẽ, từng dự án dù quy mô lớn hay nhỏ".

Cũng đưa ra giải pháp, TS Phạm Sỹ Liêm nói: "Trước hết, từ các cơ quan quản lý phải có chỉ thị vấn đề cải tạo vấn đề đô thị, khi đó, căn cứ vào thực tế, giao cho các thành phố lớn tổng kết xem tình hình vừa qua xây dựng ra sao, xấu như thế nào, từ đó ra quyết định, nghị định về vấn đề cải tạo khu đô thị hiện có.

Nếu việc cần làm các thành phố phải tổng kết, rồi Chính phủ ra nghị định từ đó truy cứu trách nhiệm cụ thể".

Theo Đất Việt