Ông Tình cho biết, đơn vị đã báo cáo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đồng thời kiểm tra thông tin về doanh nghiệp tăng vốn đăng ký lên gần 28.000 tỷ đồng, sau khi nhận được nhiều phản ánh từ báo chí cũng như chỉ đạo của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT).
Tuy nhiên, do Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 nên công tác kiểm tra được chuyển tới các phòng chuyên môn để tập hợp và cho ý kiến.
Nói về việc doanh nghiệp này đã góp đủ số vốn theo đăng ký hay chưa, ông Tình dẫn giải, theo quy định, phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH-ĐT Hà Nội chỉ ghi nhận vốn đăng ký của doanh nghiệp. Hiện nay, trước nhiều thông tin về trường hợp này, phòng đã kiểm tra lại nội dung góp vốn của doanh nghiệp.
Ông Tình cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp tự khai và phải tự chịu trách nhiệm với việc kê khai của mình. Sau 90 ngày kê khai, doanh nghiệp phải góp đủ vốn. Nhưng thành phố cũng có quy định là doanh nghiệp sau khi đăng ký sẽ phân cấp về các đơn vị để phối hợp quản lý như: thuế, công an...
Mới đây, thông tin về một doanh nghiệp tại Hà Nội đăng ký tăng vốn lên gần 128.000 tỷ đồng đã gây xôn xao dư luận.
Theo đó, tháng 6/2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu công bố tăng tổng nguồn vốn từ 132 tỷ đồng lên 127.902 tỷ (tương đương 5,5 tỷ USD) và duy trì cho đến nay.
Doanh nghiệp này thành lập ngày 9/11/2018, có trụ sở tại phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Văn Việt, sinh năm 1953, chỗ ở hiện tại ở xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Năm 2018, doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn điều lệ 132 tỷ đồng. Từ tháng 6/2019, doanh nghiệp này công bố tăng vốn điều lệ lên 127.902 tỷđồng (tương đương 5,5 tỷ USD).
Tuy nhiên, dù gây xôn xao với việc tăng vốn "khủng" nhưng trụ sở theo đăng ký của doanh nghiệp này lại chỉ là bãi rửa xe.
Ngoài ra, theo thông tin trên báo Người lao động, ngày 23/8, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thành (65 tuổi, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội), cổ đông nắm giữ 36% vốn điều lệ từ ngày thành lập. Bà Thành cho biết: "Chúng tôi chưa góp đồng nào, tất cả đều chờ ông Phan (cổ đông người nước ngoài, góp tới 51.161 tỉ đồng, chiếm 40% vốn điều lệ) về nước. Tôi đăng ký nắm giữ 36% vốn điều lệ, nhưng chưa góp đồng vốn nào, các cổ đông khác cũng vậy, chúng tôi chỉ đăng ký vai trò cổ đông mà thôi".
Trước đó, trả lời PV, một lãnh đạo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) cũng khẳng định, Cục đang phối hợp với Sở KH-ĐT Hà Nội kiểm tra thông tin về doanh nghiệp tăng vốn lên 128.000 tỷ đồng. Vị này khẳng định, pháp luật không cấm doanh nghiệp được đăng ký vốn điều lệ bao nhiêu. Nhưng nếu đăng ký mà không góp đủ số vốn thì doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh giảm và nếu chậm trễ nữa thì chịu phạt.
(Theo VTC News)
Gia thế bất ngờ của Tổng giám đốc 'siêu doanh nghiệp' 128.000 tỷ: Không phải đại gia, chẳng có ô tô, bán tạp hóa qua ngày
Ngày càng có nhiều thông tin gây bất ngờ về "siêu doanh nghiệp" có vốn điều lệ lên đến 128.000 tỷ đồng.