Trước đây, TPHCM là đầu tàu mạnh nhất cả nước. Nay sáp nhập thêm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì TPHCM mới sẽ thành một siêu đô thị càng mạnh hơn gấp bội lần.
Sau sáp nhập, TPHCM mới sẽ trở thành siêu đô thị mạnh nhất cả nước. Ảnh: Nam Khánh
Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã thông qua việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, dự kiến sáp nhập TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) thành TPHCM mới.
Trao đổi với VietNamNet, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay, việc sáp nhập TPHCM, Bình Dương và BR-VT sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới, không gian phát triển mới và đi kèm là thách thức mới.
Cụ thể, trong vùng Đông Nam bộ, 3 địa phương nói trên cùng với tỉnh Đồng Nai là “tiểu vùng tứ giác kinh tế” mạnh nhất cả nước, vì đóng góp ngân sách lớn nhất.
Và do đó, sau khi sáp nhập 3 địa phương, TPHCM mới sẽ trở thành một cực tăng trưởng mạnh bậc nhất cả nước.
KTS Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: CTV
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, sau sáp nhập lấy tên TPHCM cũng phù hợp với xu thế phát triển, vì TPHCM đã là một thương hiệu quốc tế. Và như vậy, thủ phủ chắc chắn cũng sẽ đặt tại TPHCM.
“Trước đây, TPHCM là đầu tàu mạnh nhất cả nước. Nay sáp nhập thêm Bình Dương và BR-VT thì sẽ thành một siêu đô thị càng mạnh hơn gấp bội”, KTS Nam Sơn khẳng định.
Ông dẫn chứng, hiện nay, dù là đầu tàu của cả nước nhưng TPHCM vẫn chưa có hạ tầng mang tầm cỡ khu vực.
Cụ thể, sân bay lớn nhất nằm ở Long Thành; hệ thống cảng lớn nhất là Cái Mép-Thị Vải nằm ở BR-VT; nhà ga lớn nhất là Sóng Thần thì nằm ở Bình Dương…
Như vậy, theo chuyên gia này, khi sáp nhập lại, TPHCM sẽ có thêm các hạ tầng trọng điểm. Đây là một thuận lợi rất lớn.
Quy hoạch hệ thống metro TPHCM chạy BR-VT
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, siêu đô thị TPHCM mới cũng có những thách thức mới. Cụ thể, các hạ tầng trọng điểm đang là những khu vực chưa được kết nối đồng bộ.
Bên cạnh đó, khi đã sáp nhập 3 địa phương thì các nhà quản lý cũng cần nghiên cứu, điều chỉnh lại quy hoạch phù hợp với xu hướng mới.
Ông ví dụ, với BR-VT, là địa phương có khoảng 350km đường bờ biển, nay nhập về thì TPHCM mới được xem như là đô thị biển.
Hiện nay, TPHCM chỉ được xem như là đô thị có biển chứ chưa phải là thành phố biển. Vì địa phương này chỉ có khu vực biển ở huyện Cần Giờ, nhưng nằm trong diện bảo tồn khu vực sinh quyển, điều kiện phát triển sẽ hạn chế, bị giới hạn.
Bây giờ, sau sáp nhập thì TPHCM mới thành đô thị biển, khi đó cần quy hoạch hệ thống metro chạy xuống BR-VT.
Thứ ba, theo KTS Nam Sơn, siêu cảng Cần Giờ phải đặt lại vấn đề. Vì theo ông, trong quy hoạch phê duyệt, mục tiêu của siêu cảng này là cảng trung chuyển, vì không muốn cạnh tranh với cảng Cái Mép - Thị Vải. Còn bây giờ nhập lại rồi, coi như sẽ trở thành một phần trong hệ thống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Do đó, cần cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn.
KTS Nam Sơn cũng cho rằng, với một siêu đô thị, TPHCM mới sẽ có nhiều nhiệm vụ, nhiều mục tiêu lớn, nhiều vấn đề mới do dân đông hơn; các hoạt động KT-XH sôi động và phức tạp hơn… Điều này đòi hỏi đổi mới tư duy, cách làm, cách quản trị mới.
“Cơ hội mới, không gian phát triển rộng lớn hơn thì đi kèm với trọng trách lớn hơn”, ông Nam Sơn lưu ý.
Phân vùng phát triển theo từng thế mạnh
TS Trần Hoàng Ngân, ĐBQH TPHCM cho biết, sau sáp nhập, TPHCM mở rộng sẽ khoảng 13,6 triệu dân, chiếm 13,4% dân số cả nước, trong khi diện tích chỉ chiếm khoảng 2%; mật độ dân cư khoảng 2.040 người/km2.
Điều quan trọng, theo ông Ngân, là TPHCM mở rộng đóng góp 1/4 GDP cả nước, chiếm hơn 1/3 tổng thu ngân sách và 1/5 kim ngạch xuất khẩu.
“Như vậy, có thể thấy vị trí đầu tàu ngày xưa của TPHCM là đầu tàu quan trọng của cả nước. Nay TPHCM mở rộng còn quan trọng gấp nhiều lần”, TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Theo TS Trần Hoàng Ngân, siêu đô thị TPHCM cần chia thành các tiểu vùng theo từng thế mạnh. Ảnh: Hoàng Hà
Do đó, vị ĐBQH này cho rằng, cần tính đến một thể chế vượt trội cho siêu đô thị này. Cụ thể hơn, TPHCM mới có thể phân vùng phát triển theo từng thế mạnh, hình thành các tiểu vùng phát triển.
Ví dụ, với khu vực Bình Dương, sẽ tập trung vào phát triển công nghiệp, với nhiều khu công nghiệp tập trung.
Khu vực BR-VT thì ưu tiên phát triển kinh tế biển, bao gồm logistics, khai thác cảng biển, du lịch biển, đánh bắt - nuôi trồng thủy hải sản, dầu khí…
TPHCM là Trung tâm thương mại dịch vụ, tài chính - ngân hàng của cả nước; phát triển y tế - giáo dục; tập trung vào phát triển KH-CN theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị như trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm chuyển đổi số, kể cả trung tâm tài chính quốc tế…
“Như vậy, việc phân vùng này sẽ tạo điều kiện cho siêu đô thị TPHCM phát triển mạnh hơn, vì không còn tính cạnh tranh như khi còn là 3 địa phương riêng”, TS Trần Hoàng Ngân phân tích.
Để làm được điều đó, ông Ngân lưu ý, siêu đô thị TPHCM cần tập trung xây dựng hạ tầng kết nối đồng bộ hơn. Trong đó, dành ưu tiên phát triển hệ thống metro về các tiểu vùng.
Tất cả đã sẵn sàng cho việc sáp nhập
Tại hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 39 mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định với VietNamNet “công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập đã sẵn sàng, chỉ chờ có Nghị quyết công bố là triển khai thực hiện”.
Ông thông tin, 3 Bí thư TPHCM, Bình Dương và BR-VT đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi về việc sáp nhập; các sở, ngành, chính quyền nội tại 3 địa phương cũng đã chủ động trước các bước.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo sáp nhập 3 địa phương đã được thành lập. Trong tháng 4 này, cũng sẽ có cuộc họp toàn thể giữa 3 địa phương để triển khai chủ trương sáp nhập.
“Chúng tôi đã bàn về sự cần thiết, những vấn đề nội tại của 3 địa phương khi sáp nhập... Giờ chỉ còn một cuộc họp toàn thể 3 tỉnh, thành để bàn thấu đáo hơn. Tất cả đã trong tư thế sẵn sàng, chỉ chờ khi có nghị quyết chính thức của Quốc hội là triển khai và triển khai nhanh, cấp bách theo đúng tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng”, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định.
Tối 15/4, Thành uỷ TPHCM đã thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khoá XI liên quan đến phương án sắp xếp đơn vị hành chính.
Sau khi sáp nhập TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM mới dự kiến có 168 phường, xã với 6.120 cán bộ, công chức và viên chức; dự kiến có 11.015 người dôi dư cần tinh giản trong 5 năm.
Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, trong tháng này sẽ có cuộc họp chính thức để bàn thấu đáo chuyện sáp nhập TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu theo chỉ đạo từ Trung ương.