Trung Quốc đang có những bước tiến mới trong quá trình hiện thực hóa mong muốn thay thế sự thống trị của nền kinh tế Mỹ, USD và mở rộng ảnh hưởng trên thị trường thương mại thế giới. Đồng NDT của Trung Quốc vừa được gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế như một bước đi đầu tiên để trở thành loại tiền tệ trong thanh toán cho các giao dịch thương mại và tài chính trên thế giới - đồng tiền 'siêu chủ quyền'.


Bước ngoặt mới

Ngày 1/10, đồng Nhân dân tệ - NDT (renminbi - yuan) của Trung Quốc đã chính thức gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế SDR của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng với USD, euro, bảng Anh và yen Nhật. Đây là lần đầu tiên kể từ 1999 một đồng tiền mới được đưa vào SDR sau đồng euro.

Rất có thể, trong lần xem xét tiếp theo vào năm 2021, đến lượt đồng rúp của Nga "bước chân" vào rổ SDR.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự kiện chính thức được chọn vào rổ SDR là một dấu mốc quan trọng trong quá trình quốc tế của đồng NDT và là một sự khẳng định cho sự thành công về phát triển kinh tế của Trung Quốc.

{keywords}
Trung Quốc kỳ vọng NDT trở thành sẽ trở thành một đồng tiên siêu dự trữ.

Trên Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Jack Lew thừa nhận NDT đã có những thay đổi to lớn trong thập kỷ qua. Đồng tiền này đã cởi mở hơn và có mặt nhiều hơn trên thị trường tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, vị bộ trưởng Mỹ cho rằng, đây mới chỉ là bước đầu. Bước đầu cho một chặng đường dài để vươn tới sự thừa nhận rộng rãi của thế giới - tờ FT của Mỹ nhận định. Trung Quốc còn rất nhiều điều để làm. Thị trường tài chính chưa phát triển theo chiều sâu cùng hệ thống pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, minh bạch có thể làm giảm sức mạnh của đồng NDT.

Sự giảm giá liên tục của NDT kể từ tháng 8/2015 cho tới nay cũng là một thách không nhỏ. Nỗi lo một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm và sẽ càng chậm lại nếu xuất khẩu suy giảm sẽ khiến NDT khó có thể ổn định hoặc tăng lên trong dài hạn.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đồng tệ của Trung Quốc còn khá xa để có thể trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu cho dù vào rổ SDR của IMF và Trung Quốc cần cải cách hơn nữa để đạt được mục tiêu này trong đó phải có nỗ lực mang định hướng thị trường hơn nữa.

Các chuyên gia trên tờ Reuters nhận định, việc chính thức đưa NDT vào rổ SDR hiện không ảnh hưởng tới thị trường tài chính quốc tế, nhưng quyết định này sẽ đặt các chính sách kinh tế và ngoại hối của TQ dưới sự soi xét của quốc tế.

Đe dọa vị thế Mỹ

Việc được chọn vào rổ tiền tệ SDR của IMF có một phần nỗ lực rất lớn của một người đàn ông Trung Quốc mà Mỹ phải dè chừng: thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Zhou Xiaochuan (Chu Tiểu Xuyên).

{keywords}

Trong khoảng một thập kỷ qua, PBoC đã lập hàng loạt trung tâm giao dịch NDT trên thế giới từ Hong Kong, Thượng Hải, London, Pháp, Singapore,... làm cứ điểm giao dịch. Tháng 9 vừa qua, PBoC đã mở ngân hàng thanh toán bằng đồng NDT đầu tiên ngay trên đất Mỹ, tại New York, với tổng tài sản hơn 50 tỷ USD, tương đương một quý trao đổi thương mại song phương Trung - Mỹ.

Trên tờ RT của Nga, NĐT Jim Rogers cho rằng, NDT là đồng tiền duy nhất có thể thách thức vị thế của đồng USD để trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới trong tương lai. Theo NĐT này, đồng tiền này hiện chưa đủ sức mạnh nhưng đang chuyển động và chuyển động rất nhanh.

Theo Rogers, vấn đề hiện tại của đồng Nhân dân tệ là ở chỗ “bạn khó có thể mua bán nó”. Đó là một đồng tiền “đóng”. Nhưng, cuối cùng, đồng tiền này sẽ thay đổi và có thể cạnh tranh với USD.

Trên thực tế, gần đây PBoC mắc không ít sai lầm. Cú lao dốc của NDT sau quyết định thay đổi cách điều hành tỷ giá, chuyển từ tỷ giá cố định sang cơ chế nổi có kiểm soát, ấn định tỷ giá tham chiếu theo ngày đã khiến đồng tiền này giảm có lúc tưởng chừng nằm ngoài tầm kiểm soát. NDT lao dốc đã khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo. Các NĐT trên khắp thế giới vẫn chưa có niềm tin với PBoC và vẫn rất thận trọng trước những biến động của NDT.

Mặc dù vậy, kết quả tăng trưởng GDP vượt dự báo đầy lo lắng về nền kinh tế Trung Quốc trong các quý gần đây cùng với quyết định rời EU của nước Anh (Brexit),... đã làm lệch hướng sự chú ý của dư luận quốc tế vào những sai lầm về chính sách của PBoC. Điều này giúp NDT dễ dàng chính thức gia nhập SDR.

Theo RT, tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ giảm mạnh, từ mức 22% của toàn nền thế giới trong năm 1990 xuống còn 15% vào 2020. Trong khi đó, đồng USD vẫn ở vị trí thống trị kể cả sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Khoảng 90% các giao dịch tiền tệ liên quan tới đồng USD, so với 40% của đồng euro và chỉ 2% của renminbi.

Cùng với hàng loạt bất ổn trên thị trường tài chính thế giới và những thay đổi lớn có thể sẽ diễn ra trong chính sách của nước Mỹ, Trung Quốc đang tận dụng cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của mình không chỉ ở lĩnh vực đầu tư với hàng trăm tỷ USD đang đổ ra nước ngoài mà còn ở lĩnh vực thương mại với chính sách “một vành đai, một con đường” và giờ đây là một đồng NDT.

Người Trung Quốc, trong đó có ông Chu Tiểu Xuyên đang mơ về một đồng tiền dự trữ “siêu chủ quyền” trong bối cảnh hệ thống tài chính toàn cầu đang lộ ra nhiều điểm yếu.

Cụ thể, năm 2009 khi mà thế giới đang chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính, thống đốc PBoC Chu Tiểu Xuyên đã đề xuất việc xây dựng một đồng tiền 'siêu chủ quyền', một đồng tiền mà tách biệt khỏi các nước riêng biệt. Đồng tiền này sẽ được phát hành theo những quy định chặt chẽ và có thể đoán định được và sẽ ổn định về mặt giá trị. Và bước đầu tiên, ông Chu đề xuất SDR được đẩy lên thành một tài sản dự trữ và nó sau đó nó sẽ được sử dụng như một loại tiền tệ trong thanh toán cho các giao dịch thương mại và tài chính trên thế giới.

Trên thực tế, tham vọng và kế hoạch dài hơi của Chu Tiểu Xuyên là nhằm thay thế đồng USD bằng một đồng tiền 'siêu chủ quyền' tương tự như SDR của IMF.

Sự nổi lên của NDT là khá rõ ràng. Tuy nhiên, giới đầu tư dường như vẫn khá lo ngại và chưa dám đặt niềm tin vào đồng tiền này, nhất là sau cú sốc lao dốc đột ngột năm ngoái và khả năng can thiệp của Bắc Kinh vào biến động của đồng tiền này.

V. Minh