Khó xoay sở
Sau hơn 1 tháng vay mượn khắp nơi, vợ chồng chị Trần Bích Thảo (Hà Đông, Hà Nội) mới xoay sở được hơn 1 tỷ đồng để mua căn hộ 2 phòng ngủ tại một dự án ngoại thành Hà Nội. Với số tiền đó, vợ chồng chị buộc phải vay thêm ngân hàng. Nếu được cho vay, hai vợ chồng chị Thảo đủ điều kiện để trả khoản nợ 1 tỷ đồng trong vòng 20 năm, trả nợ gốc và lãi suất hàng tháng khoảng 15 triệu đồng.
Chị Thảo đã liên hệ một số ngân hàng tại quận Hà Đông. Một số nhân viên tín dụng mới nhận thông tin nhưng chưa hứa trước gì với chị vì thông tin chung các ngân hàng đang giảm tỷ lệ cho vay bất động sản.
“Vợ chồng tôi luôn có ước mơ sở hữu một ngôi nhà để an cư sau gần 15 năm làm việc tại Hà Nội. Nhưng giá nhà luôn tăng, đồng lương hai vợ chồng không thể theo kịp. Nếu không vay ngân hàng ở thời điểm này thì chờ tới khi đủ tiền thì giá nhà đã cao ngất ngưởng”, chị Thảo chia sẻ.
Hiện, vợ chồng chị đang tích cực tìm kiếm các ngân hàng cho vay một khoản tín dụng để có thể thực hiện mơ ước cả đời người là “an cư lạc nghiệp”.
Đang ngồi trên đống lửa khi đã ký hợp đồng mua bán chung cư mà vẫn chưa tìm được nguồn tài chính từ ngân hàng, anh Nguyễn Văn Cường (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, anh mua căn hộ tại Hà Đông giá hơn 2 tỷ đồng. Vợ chồng anh vay thêm ngân hàng khoảng 800 triệu đồng, trả nợ trong vòng 20 năm.
Hồ sơ vay mua căn hộ của anh đã được duyệt từ trước nhưng bất ngờ sang đầu tháng 4, nhân viên ngân hàng lại thông báo không thể giải ngân vì hết quota tín dụng cho vay bất động sản. Vợ chồng anh đang phải chạy đôn chạy đáo tìm các cửa khác nếu không thể vay ngân hàng.
“Vợ chồng mình cả tuần nay ăn không ngon, ngủ không yên. Mua được nhà chưa kịp mừng đã phải lao đao, nếu siết tín dụng thì những người mua nhà ở thực gặp rất nhiều khó khăn”, anh nói.
Thị trường gặp khó
Theo HoREA, biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở (so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập).
Nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ, việc mua được một căn hộ hay một ngôi nhà nhỏ ở thành phố là điều khá khó khăn. Đặc biệt, giá nhà đất đã tăng vọt trong những năm qua và nếu không có vốn vay thì hầu như không ai có cơ hội mua được nhà.
Theo ước tính, phân khúc nhà ở cho các gia đình hạt nhân là các cặp vợ chồng trẻ luôn tăng đều đặn khoảng 20% mỗi năm tại các thành phố có tốc độ đô thị hóa hàng đầu thế giới như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Việc tìm đến các gói vay mua nhà từ phía ngân hàng là giải pháp khá phù hợp và hiệu quả lúc này.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Xây dựng, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I năm nay vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 41%, trong đó số căn hộ của các dự án bằng khoảng 49% so với cùng kỳ năm 2021. Các chuyên gia cho rằng, để siết đầu cơ, tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu người dân về nhà ở thì cần những giải pháp tổng thể.
Ông Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng, người thực sự có nhu cầu sở hữu bất động sản sẽ gặp khó khăn. Dù để ở hay đầu tư thì không thể phủ nhận đó là nhu cầu chính đáng, đặc biệt trong điều kiện tỉ lệ sở hữu nhà của người dân Việt Nam còn rất thấp, nhu cầu về nhà ở còn rất lớn.
"Trong khi cầu rất lớn thì nguồn cung bất động sản trong những năm qua lại quá khan hiếm. Điều đó có nghĩa, nhu cầu của người dân về nhà ở là có thật và cần được đảm bảo khơi thông", ông Ánh nói.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay, vừa qua có nhiều phản ánh rằng một số ngân hàng đã dừng nhận hồ sơ mới hoặc giải ngân. Siết bất động sản nhằm mục đích loại bỏ đầu cơ, song theo ông Thịnh, đối với những người có nhu cầu mua nhà ở hoặc kinh doanh thì nên tạo cơ hội. Ông Thịnh nêu quan điểm và cho rằng chỉ nên tăng kiểm soát khâu thủ tục hồ sơ, siết dòng vốn chảy vào doanh nghiệp yếu kém.
Theo ông Ánh, tín dụng bất động sản vốn là khoản vay an toàn khi có sự liên kết với các chủ đầu tư lớn, uy tín và ngược lại. Lãi suất huy động của ngân hàng thời gian qua dù có nhích lên nhưng không nhiều. Nếu tiếp tục siết tín dụng, ngân hàng có thể "lâm cảnh" thừa vốn.
Chuyên gia này nhấn mạnh, cần thay đổi trong cách tiếp cận theo hướng, đảm bảo cấp tín dụng cho các chủ đầu tư uy tín, có những dự án khả thi, triển khai đúng tiến độ, thanh khoản tốt. Trong khi đó, những chủ đầu tư yếu kém, dự án không hiệu quả thì phải siết lại.
Duy Anh