Theo đó, quy định của ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình trong việc quản lý các chất thải rắn trong đó có chất thải y tế, đảm bảo chất thải y tế đều thu gom, vận chuyển và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Các chất thải lây nhiễm phải được thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu trữ trong cơ sở y tế. Quá trình thu gom túi đựng chất thải buộc kín thùng có nắp đậy, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải. Chất thải lây nhiễm, sắc nhọn từ nơi phát sinh về khu vực lưu trữ tạm thời trong khuôn viên cơ sở y tế phải đưa đi xử lý tiêu huỷ tối thiểu 1 tháng/lần.

chat thai y te 2.png
Chất thải y tế nguy hại được xử lý nghiêm theo quy định. 

Chất thải nguy hại không có nguy cơ lây nhiễm như hộp đựng hóa chất, nước rửa phim Xquang, thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp nhựa hoặc các vật liệu đảm bảo không được phát tán ra môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế. 

Thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế không quá 2 ngày trong điều kiện bình thường, 7 ngày trong môi trường lạnh dưới 8 độ C. 

Tại Thái Bình, chất thải lây nhiễm được vận chuyển phải theo mô hình cụm, mô hình tập trung, ưu tiên xử lý trong ngày. Trường hợp chất thải chưa được xử lý ngay cần lưu trữ ở nhiệt độ dưới 20 độ C, không quá hai ngày.

Vận chuyển chất thải nguy hại từ cơ sở y tế trong cụm đến cơ sở tập trung cho cụm phải được thuê đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc cơ sở y tế có giấy phép hành nghề, quản lý, xử lý  chất thải trong khuôn viên của bệnh viện.

Những cơ sở tự đầu tư lò đốt chất thải y tế, công suất 30kg/giờ đều được kiểm định, đánh giá đảm bảo hoạt động đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia gia về lò đốt chất thải rắn y tế.

Đối với các cơ sở y tế không có lò đốt chất thải y tế, không có công trình xử lý chất thải y tế nguy hại, rác thải được xử lý theo hình thức cụm cơ sở y tế hoặc tiến hành ký hợp đồng cho đơn vị chuyển giao với đơn vị có giấy phép xử lý theo quy định. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 8 cụm xử lý rác thải y tế nằm rải rác từ thành phố Thái Bình tới các huyện thị trong tỉnh phục vụ công tác xử lý rác thải nguy hai cho các cơ sở y tế. 

Ngoài ra, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan trong việc phân chia cụm cơ sở y tế vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại. Hằng năm, Sở Y tế đều xây dựng quy chế hoạt động cho các cụm cơ sở y tế và hướng dẫn các cơ sở y tế triển khai kế hoạch.

Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động lưu trữ và chuyển giao chất thải y tế nguy hại tác các cụm cơ sở y tế được thực hiện thường xuyên. Người đứng đầu các đơn vị sẽ chịu trách nhiệm trong quản lý chất thải. Khuyến khích các đơn vị lựa chọn công nghệ xử lý chất thải phù hợp theo định hướng áp dụng công nghệ mới bảo đảm thân thiện với môi trường

Sở Y tế tỉnh Thái Bình còn tổ chức các chuyên đề truyền thông về pháp luật trong quản lý rác thải y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình cơ sở y tế không sử dụng túi nilon. 100% công chức, viên chức, người lao động trong ngành y gương mẫu và tiên phong sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Với các giải pháp có tính hiệu quả cao, nhiều năm liền, các đơn vị y tế trong tỉnh không để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường hoặc liên quan đến xử lý rác thải, nước thải, đặc biệt là rác thải y tế nguy hại.

Thảo Hiền và nhóm PV, BTV