Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thị trường bảo hiểm đang gặp khó khăn nhất định do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán qua các ngân hàng. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý III/2023 ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.200 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113.400 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước đó, ngày 30/6, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas.
Bộ này đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của đại lý tư vấn bảo hiểm và yêu cầu tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm xử lý nghiêm, có văn bản báo cáo.
Các sai phạm phổ biến của các doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm; chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm. Nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm.
Bộ Tài chính đã yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trên bổ sung hàng trăm tỷ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền này do doanh nghiệp hoạch toán chi phí chưa đúng quy định.
Cụ thể, số tiền doanh nghiệp phải bổ sung vào thu nhập chịu thuế gồm: Prudential bổ sung 700 tỷ đồng, Sun Life bổ sung hơn 600 tỷ đồng, BIDV Metlife bổ sung 174 tỷ đồng và MB Ageas bổ sung 2,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thông tin tại buổi họp báo Chính phủ chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đến hết năm 2023, theo kế hoạch, Bộ này sẽ tiến hành thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm trong đó 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Việc thanh tra sẽ tập trung vào liên kết trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại.
Dân vẫn gửi tiền ngân hàng Số liệu từ cơ quan thống kê quốc gia cho thấy, tính đến ngày 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 2,49%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8% (cùng thời điểm năm trước tăng 4,04%). Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,73% (cùng thời điểm năm trước tăng 10,54%). Theo Tổng cục Thống kê, nhu cầu trong và ngoài nước thấp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, làm cho mức tăng trưởng tín dụng thấp. Đây là lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng chứng kiến lại hiện tượng tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, năm 2022, huy động vốn trong 9 tháng chỉ tăng 4,6%, trong khi tín dụng tăng 11,05%. Năm 2021, huy động vốn 9 tháng tăng 5,2%, trong khi tín dụng tăng 7,88%. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. |