Khi lưu thông trên đường phố, không khó để có thể bắt gặp xe máy của cánh xe ôm công nghệ, người chuyển hàng, đồ ăn bị che biển số vẫn bon bon trên đường. Những biển số xe này được “ngụy trang” bằng nhiều vật dụng như tẩy, sửa số; dán băng keo và thường gặp nhất là “đeo” khẩu trang.
Với việc làm mang tính cố ý này, cánh tài xế xe ôm, shipper công nghệ dù biết sai những vẫn làm vì có những lý do riêng.
Chia sẻ với VietNamNet, tài xế GrabBike Lê Văn Đ. (Hoàng Mai, Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ, sở dĩ nhiều shipper, xe ôm công nghệ hay che toàn bộ hoặc một phần biển số là để tránh bị công ty kiểm soát khi không may có lỗi như trang phục, bảo hộ hay chạy xe vi phạm giao thông, đi vào khu vực cấm,... Và cách dễ nhất là đeo 1 chiếc khẩu trang lên biển số xe.
"Lái xe không có đồng phục, thiếu mũ bảo hiểm nếu bị thanh tra nội bộ chụp ảnh sẽ bị phạt 300-400 nghìn, thậm chí khoá tài khoản 1-3 ngày. Còn vi phạm 3 lần trong tháng sẽ khoá vĩnh viễn. Nếu che biển số đi, chúng tôi khi tiện đường đi làm, đi chơi vẫn nhận lệnh chạy bình thường mà không lo về việc bị phát hiện", anh Đ. nói.
Ngoài ra, thêm một lý do khác được cánh tài xế xe ôm công nghệ và đặc biệt là shipper truyền tai nhau, đó là khi che biển, lái xe công nghệ có thể dễ dàng bắt khách hoặc nhận đơn vận chuyển ngoài không thông qua ứng dụng hay lúc cố tình tắt app.
Vũ Hoài N. - sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học tại Hà Nội cho biết, trong thời gian rảnh, N. thường đi giao hàng hoặc đồ ăn để kiếm thêm thu nhập. Để đảm bảo doanh số và được thưởng, N. nhờ thêm 1-2 người bạn nữa sử dụng chung 1 tài khoản.
"Em là sinh viên, nếu 1 mình chạy sẽ khó đạt được doanh số thưởng. Thế nên khi "nổ đơn" mà bận vẫn phải nhờ anh em khác chạy giúp trên tài khoản của mình để cày doanh số. Hoặc đôi khi, các shop còn gửi thêm 1-2 đơn nữa vì tiện đường nhưng không đặt qua ứng dụng, những đơn này shipper nhận 100% tiền. Nếu giao hàng ở địa điểm không đúng trên hệ thống có thể sẽ bị phạt, thế nên cách dễ nhất là "đeo" cho biển số xe 1 cái khẩu trang", N. chia sẻ.
Khi được hỏi có biết việc làm của mình là sai và vi phạm Luật Giao thông đường bộ hay không? Tất cả shipper, tài xế xe ôm công nghệ đều khẳng định là biết, nhưng vẫn làm vì rất ít khi bị CSGT thổi phạt.
"Cài khẩu trang lên biển số rất dễ làm, khi cần giật ra là xong. Thông thường CSGT chỉ tuýt còi bọn em khi có những lỗi rõ ràng như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, không mũ bảo hiểm,... còn ít khi phạt vì che biển số vì xe máy chỉ có 1 biển phía sau mà thôi", nam tài xế xe ôm công nghệ Nguyễn Vũ P. nói.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Dương Đức Thắng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc người tham gia giao thông sử dụng biển giả, biển bị tẩy xóa, che biển bằng băng keo hoặc khẩu trang,... không chỉ là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường về trật tự, an ninh.
Trên thực tế, không chỉ cánh shipper, xe ôm công nghệ sử dụng chiêu thức này với những mục đích khác nhau mà rất nhiều trường hợp các đối tượng đua xe trái phép cũng dùng khẩu trang che lấp hoặc tẩy xóa vẽ nguệch ngoạc lên BKS nhằm gây khó khăn cho các lực lượng chức năng tiếp cận, xử phạt.
Thậm chí, nhiều vụ trộm cướp hay tai nạn giao thông đã được camera an ninh ghi lại, nhưng lực lượng công an phải rất vất vả để truy tìm thủ phạm vì các đối tượng này che cả mặt mũi lẫn BKS xe.
“Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã tăng mức xử phạt đối với hành vi như tẩy xoá, che BKS xe máy lên mức 300-400 nghìn đồng. Tuy nhiên, theo tôi mức xử phạt như vậy vẫn còn khá thấp và chưa đủ sức răn đe”, ông Thắng nêu ý kiến.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!