Tung tin giả trên Facebook bị xử phạt 10 - 20 triệu đồng
Ngày 15/4 vừa qua, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử đã chính thức có hiệu lực.
Một trong những điểm mới được người dân quan tâm nằm ở khoản a, điểm 1, Điều 101 của Nghị định này. Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định rất cụ thể về biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Theo đó, người lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử lý với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, chỉ tính riêng trong đợt dịch bệnh Covid-19, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính hơn 800 trường hợp tung tin giả. Chính vì vậy, dư luận cả nước đang hết sức quan tâm đến việc xử lý các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.
Tung tin giả trên Facebook bị xử phạt 10 - 20 triệu đồng. |
Like, share, bình luận tin giả có bị xử phạt hay không?
Ở thời điểm hiện tại, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có định nghĩa chính xác về việc thế nào là tin giả, tin xuyên tạc. Do vậy, các vụ việc có tính chất tương đương thường được quy về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật để xử lý.
Thông thường, tin giả có thể được hiểu là các thông tin không đúng sự thật, được tạo ra để nhằm hạ uy tín, vu khống hay xúc phạm người khác, từ đó dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, một luật sư đề nghị không nêu tên cho biết, nếu một người tung tin giả, tin sai sự thật thì tuỳ vào mức độ vi phạm, họ sẽ bị xử lý hành chính theo khoản a, điểm 1, Điều 101 của Nghị định 15/2020. Nếu nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy vậy, để bị khép vào khoản a, điểm 1, Điều 101 của Nghị định 15/2020, chủ thể vi phạm phải thỏa mãn đồng thời cả hành động, lỗi vi phạm và mục đích vi phạm.
Like, share, bình luận tin giả có bị xử phạt hay không? |
Trong nội hàm của khoản a, điểm 1, Điều 101, Nghị định 15/2020 bao gồm 2 hành vi dẫn tới việc xử phạt vi phạm hành chính. Đó là hành vi “cung cấp” và hành vi “chia sẻ" thông tin.
Lỗi vi phạm xuất hiện khi thông tin được “cung cấp", “chia sẻ" là “thông tin giả mạo", “thông tin sai sự thật".
Mục đích vi phạm được xác định rõ là nhằm “xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Đây chắc chắn phải là một hành động cố ý.
Nói cách khác, nếu cố tình đăng tải các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook, người dân sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 101 của Nghị định 15/2020, nặng hơn là xử lý hình sự.
Điều này cũng đúng trong trường hợp người dân biết đó là tin giả nhưng vẫn tiếp tục chia sẻ chúng để lan truyền trên mạng.
Nhìn chung, người dân nên tuyệt đối cảnh giác và cẩn thận với các thông tin được chia sẻ trên mạng Internet, đặc biệt là các thông tin chưa được kiểm chứng.
Người dân chỉ nên tin và chia sẻ thông tin từ những nguồn tin chính thức. Các nguồn tin này bao gồm các cơ quan, tổ chức chính phủ, các tờ báo, đài truyền hình lớn, có uy tín lâu năm.
Dù được đăng tải trên Internet bởi một người nổi tiếng, đó cũng vẫn có thể là một thông tin sai sự thật. Do vậy, người dân cần tập làm quen với việc kiểm chứng thông tin khi thu nhận được từ các trang mạng xã hội.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đỗ Hữu Trí - Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định 15/2020, việc xử phạt theo Điều 101 của Nghị định này sẽ áp dụng với những người đăng tải hoặc chia sẻ lại thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
“Nếu có một người đưa thông tin sai, bạn của họ copy nội dung đó và chia sẻ lại thì người này cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính do lan truyền tin giả, không phân biệt mức độ tương tác.", ông Đỗ Hữu Trí nói.
Đối với những người tham gia bình luận trong bài đăng tin giả, nếu nội dung bình luận vi phạm Nghị định 15 sẽ bị xử lý tùy theo mức độ nặng nhẹ. Trường hợp người dùng Facebook ấn like cho những nội dung giả sẽ không bị xử phạt theo Nghị định.
Ông Trí cũng cho biết, trong quá trình triển khai trên thực tế, nếu người dân không hiểu biết và vô tình phát tán tin giả thì sẽ được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét để xử lý sao cho có tình có lý.
Trọng Đạt