Trong một thông điệp Twitter cuối tuần trước, Christo Grozev, một phóng viên điều tra thường trú tại Bulgaria cho biết, đoạn video đăng tải trên Youtube cho thấy "trợ lý tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Nga ở Belgrade" đang bí mật gặp một gián điệp người Serbia.
Trong đoạn video, hai người đàn ông chào nhau nồng nhiệt ở Belgrade, uống bia và trao đổi các túi xách. Người đàn ông Serbia có khuôn mặt bị che mờ sau đó ngồi trong xe hơi, lấy một phong bì từ túi xách và kiểm đếm tập tiền giấy bên trong.
Phóng viên Grozev tiết lộ, nhờ sử dụng phần mềm nhận diện mặt của Microsoft, ông đã xác định được danh tính của người đàn ông Nga đang mặc áo khoác da màu đen trong video.
Theo Reuters, các quan chức Nga ở Moscow và Belgrade chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào trước các thông tin trên.
Khi công bố quyết định mở cuộc điều tra của tổng thống hôm 20/11, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic nhấn mạnh với nhật báo Blic rằng: "Nếu vụ việc rốt cuộc là thật, đây sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với chúng ta".
Theo hãng thông tấn quốc gia Tanjug, Cơ quan An ninh và Thông tin Serbia (BIA) đã lên tiếng xác nhận tính chân thực của đoạn video. Thêm nhiều thông tin dự kiến sẽ được công bố sau các cuộc gặp của Hội đồng an ninh quốc gia Serbia vào ngày 21/11.
Văn phòng Bộ trưởng Nội vụ Serbia Nebojsa Stefanovic cho biết, ông Stefanovic đã tới Moscow trong ngày 20/11 để thảo luận về "các thách thức an ninh và hợp tác phòng chống tội phạm" với lãnh đạo Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev. Tuy nhiên, nhà chức trách Serbia không đề cập liệu chuyến công du này có liên quan đến đoạn video nghi vấn về điệp viên Nga hay không.
Nga và Serbia có mối quan hệ khăng khít về chính trị, văn hóa và kinh tế. Moscow ủng hộ Belgrade trong việc từ chối công nhận độc lập của Kosovo, một tỉnh ly khai khỏi Serbia.
Các lực lượng vũ trang Serbia đang sử dụng công nghệ, máy bay chiến đấu và xe tăng do Nga chế tạo. Serbia mới đây mua hệ thống vũ khí chống máy bay Pantsyr của Nga, động thái khiến nước này có nguy cơ đối mặt các biện pháp trừng phạt từ Mỹ.
Serbia cũng phụ thuộc vào các nguồn cung khí đốt và dầu mỏ của Nga. Trong đó, Naftna Industrija Srbije, công ty dầu mỏ lớn nhất nước này đã bán phần lớn cổ phần cho tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom.
Tuấn Anh